Nhiệm vụ bất khả thi của NATO

Tổ chức Quân sự Minh ước Bắc Đại Tây Dương (gọi tắt là NATO) đang đi thụt lùi ở Afghanistan vì không có chiến lược hay kế hoạch gì trong tương lai. Tình trạng này kéo dài từ năm này sang năm nọ chưa bao giờ được sửa sai. Điều này đã và đang hủy hoại uy tín và nhiệm vụ của liên quân NATO ở Afghanistan. Đây là một trong những tiết lộ quan trọng nhất mà tướng Rick Hillier đã đưa ra trong cuốn hồi ký A Soldier First: Bullets, Bureaucrats and the Politic of War.

Nhiệm vụ bất khả thi của NATO ảnh 1


Tướng về hưu Rick Hillier. Ảnh: CP

Chia rẽ
Rick Hillier, nguyên tư lệnh Lực lượng Quốc tế hỗ trợ an ninh (ISAF) cho Afghanistan của NATO, là một vị tướng có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử quân đội Canada (theo báo Le Devoir). Những trải nghiệm của ông ở Afghanistan không hề vui vẻ gì. Năm 2004, tức hai năm sau khi chính quyền Taliban bị đánh bật ra khỏi Kabul, Hillier - vốn là tư lệnh bộ binh Canada – được điều sang Afghanistan chỉ huy ISAF. Với cương vị này, Hillier là người thấy rõ hơn ai hết cái mà ông gọi là “sự bất tài” của liên quân do “vẫn còn vương vấn tư tưởng chiến tranh lạnh”.


“Ngay từ đầu, rõ ràng (NATO) không có một chiến lược nào ra hồn ở Afghanistan” – tướng Hillier chua chát nhận xét. “Họ (các tướng lĩnh của NATO ở Bruxelles) không có một chiến lược hay ý tưởng nào về những gì họ sẽ làm. Họ cũng chẳng có đường lối chính trị trong khi lực lượng quân đội thì quá ít ỏi. NATO đã vạch ra một con đường hủy hoại  đức tin và đánh mất sự ủng hộ của  nhân dân các nước có binh sĩ tham gia cuộc chiến Afghanistan”.


Theo nhận xét của Hillier,  28 thành viên của NATO tị hiềm, đấu đá nhau còn bộ máy NATO thì quan liêu.  Hậu quả nhãn tiền là nhiều nước tham gia chiếu lệ, không gửi đầy đủ quân.  Mỗi nước chỉ lo làm tròn vai ở địa phận mình phụ trách bất chấp tình hình ở các tỉnh khác. “Chẳng có liên kết, sự minh bạch và tính chuyên nghiệp” – theo Hillier. Chỉ có Canada, Đức và Mỹ tham gia tích cực.


Đó là tình hình trước khi tướng Hillier  được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng ISAF. Mấy năm sau, tình hình cũng chẳng khá hơn. Để minh chứng, tướng Hillier đưa ra ví dụ: Năm 2006, khi 2.700 quân Canada được phái đến tỉnh Kandahar làm nhiệm vụ tranh thủ “trái tim và khối óc” nhân dân địa phương, NATO hứa sẽ điều thêm 1.000 quân từ một nước khác để yểm trợ bởi Kandahar được đánh giá là vùng đất nguy hiểm nhất. Nhưng số quân đó không bao giờ xuất hiện. Mãi đến năm 2008, mới có viện quân Mỹ.


Với một giọng văn trung thực, đôi khi khích bác (theo Canadian Press), tướng Hillier nhận định: “Tình hình Afghanistan cho thấy NATO đã tiến tới giai đoạn xác chết đang thối rữa” và “trừ phi quân đồng minh giành được thắng lợi mà không phải hao hơi tổn sức nhiều, sự tồn tại của NATO sẽ không kéo dài được bao lâu với hình thức hiện tại”.


Tính đến thời điểm này, đã có 131 lính Canada  hy sinh tại chiến trường Afghanistan. Nhiệm vụ của Canada sẽ chấm dứt vào năm 2011 và Ottawa tuyên bố không có kế hoạch nào để tiếp tục tham chiến ở Afghanistan.


Bất mãn


Cũng trong hồi ký dày 498 trang, tướng Hillier  than phiền Bộ trưởng Quốc phòng Canada Gordon O’Connor  “bịt miệng” ông theo chỉ đạo của Văn phòng Thủ tướng Stephen Harper.  Ông kể lại mối bất hòa giữa ông và văn phòng thủ tướng  bắt đầu từ sự kiện đưa xác lính Canada từ Afghanistan về nước. Văn phòng thủ tướng chỉ đạo: “Chúng ta không được cho báo chí tiếp cận máy bay chở xác về nước hoặc là chúng ta phải chở vào lúc khuya hay sáng sớm”.


Tướng Hillier cũng thanh minh rằng  quyết định  đưa quân vào tỉnh Kandahar cực kỳ nguy hiểm là sự lựa chọn của chính phủ trước khi ông được phong chức tổng tham mưu trưởng chứ ông không tham gia vào như dư luận đồn thổi. Ông cho biết lúc đầu NATO đề nghị Canada đóng quân ở tỉnh Herat thuộc miền Tây Afghanistan. Vùng này yên tĩnh hơn Kandahar. Nhưng, do ái ngại công tác hậu cần quá khó khăn và không cho phép Ottawa “nổi bật” như mong muốn, Chính phủ Canada đã chọn tỉnh Kandahar tuy có  nhiều thử thách nhưng cũng có nhiều cơ hội lập công.


Thế nhưng, khi đổ quân vào Kandahar thì Canada lại phát triển và tái thiết chẳng được bao nhiêu. Từ năm 2006 đến 2008, người dân địa phương chẳng thấy sự hiện diện của  quân đội nước ngoài có ích gì. Quân phiến loạn Taliban thừa cơ giành  dân, chiếm đất. Trong quyển hồi ký, Hillier giải thích: Ngày 15-1-2006, nhà ngoại giao Canada Glyn Berry bị giết trong một cuộc tấn công ở thủ phủ Kandahar. Bộ Ngoại giao Canada và ACDI (Cơ quan Phát triển quốc tế  Canada) quýnh lên rút hết nhân viên ra khỏi tỉnh. Do đó, công cuộc tái thiết và phát triển tỉnh ngưng trệ hoặc làm  ì ạch. Chiến lược tranh thủ “trái tim và khối óc” dân chúng Kandahar vì vậy cũng không hiệu quả. Mãi đến năm 2009, Chính phủ Canada mới sửa sai.


Tướng Hillier cũng tỏ ra bất mãn với các chính khách Canada. Cuối năm 2007, có ai đó đề nghị trước khi hành quân, quân đội ở Afghanistan phải xin phép đại sứ Canada ở Kabul. Chính phủ cần kiểm soát hằng ngày nhất cử nhất động của binh lính mình.“Một đề nghị ngu xuẩn” – tướng Hillier phản đối ầm ầm. Ông bị cho về hưu vào ngày Quốc khánh Canada năm ngoái.


Đêm 22-10 vừa qua, tham dự buổi phát hành đầu tiên quyển hồi ký của mình, tướng Hillier nói với báo chí:  “Chúng ta cần  phải có một số thay đổi trong bộ máy quan liêu ở Ottawa”.


Nói chung, tướng Hillier dành phần lớn hồi ký của mình để ca ngợi người lính Canada xen kẽ những mẩu chuyện về gia đình (ông có một vợ hai con) và đời tư. Nhưng chính những câu chuyện kể về những cuộc đấu đá chính trị và tệ quan liêu đã biến cuốn sách này thành một tác phẩm có tính chiến đấu cao, theo Canadian Press.

------------------------------------------
Kỳ tới: Nối giáo cho giặc

Theo VĂN ANH (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm