Chuyến thăm bãi cạn Scarborough bị hủy

Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 18-5 đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc sẽ duy trì tình trạng cảnh báo cao độ ở đảo Hoàng Nham (tức bãi cạn Scarborough) trước thông tin có một nhóm người Philippines chuẩn bị ra bãi cạn.

Đêm hôm trước, Cơ quan Quản lý nghề cá Hoa Nam tuyên bố Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt ngư dân nước ngoài vi phạm lệnh cấm đánh cá trên biển Đông.

Hồi đầu tuần, lúc thông báo lệnh cấm, Cơ quan Quản lý nghề cá Hoa Nam chỉ quy định phạt đối với ngư dân và tàu cá Trung Quốc. Cơ quan này cho biết hiện ở khu vực cấm đánh cá đã có hai tàu giám sát.

Tại Philippines, trong ngày 18-5, cựu Đại úy thủy quân lục chiến Nicanor Faeldon đã thông báo hủy kế hoạch ra bãi cạn Scarborough sau khi nhận được điện thoại kêu gọi từ tổng thống.

Chuyến thăm bãi cạn Scarborough bị hủy ảnh 1

Ngày 18-5, tại tỉnh Zambales (Philippines), cựu Đại úy thủy quân lục chiến Nicanor Faeldon thông báo hủy chuyến ra bãi cạn Scarborough. Ảnh: GETTY IMAGES

Phát biểu với Đài truyền thanh DZRH (Philippines) cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin xác nhận Nhật sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra mới để tăng cường an ninh hàng hải.

Trả lời báo Inquirer (Philippines) hôm trước đó, Đại sứ quán Nhật tại Philippines cho biết Nhật đang cân nhắc có nên cung cấp tàu dưới hình thức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hay không.

Trong khi đó, các nghị sĩ Philippines cảnh báo kinh tế quốc gia sẽ gặp nguy nếu Trung Quốc tiếp tục gây áp lực kinh tế. Một số nghị sĩ kêu gọi Bộ Ngoại giao đàm phán với Trung Quốc để lập Ủy ban Nghiên cứu chung Philippines - Trung Quốc nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt tranh chấp ở biển Đông.

Trong khi đó, Đài truyền hình ABS-CBN cho biết tỉnh trưởng tỉnh Albay đã kêu gọi người dân Philippines tẩy chay hàng Trung Quốc để phản đối Trung Quốc gây hấn ở bãi cạn Scarborough.

Ngày 18-5, Đài truyền hình ABS-CBN News tiết lộ hồi tháng 3 vừa qua, ông John Tkacik Jr., Giám đốc Dự án Tương lai châu Á thuộc Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế (chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh Mỹ), đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về tình hình biển Đông.

Tại buổi điều trần, ông cho rằng thống trị các tuyến hàng hải và hàng không dân sự ở Đông Á là một trong các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc. Ông cảnh báo thái độ gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông chỉ ngày càng tăng chứ không giảm.

Ông nhận định thái độ gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông cũng như trên eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông chỉ có thể được giải quyết theo hai con đường: Một là Trung Quốc sẽ đạt được điều mong muốn; hai là Trung Quốc sẽ sử dụng xung đột vũ trang dưới chiêu bài bảo vệ quyền lợi cơ bản.

Trả lời hãng thông tấn quân lực Mỹ (AFPS) ngày 17-5 (giờ địa phương), Đô đốc Samuel Locklear, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, khẳng định Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp ở biển Đông. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền sử dụng biển của các nước ở biển Đông bằng cách thực hiện sứ mệnh bảo đảm tự do hàng hải.

THIÊN ÂN - LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm