Cố tranh luận với ông Trump, nhà báo CNN bị cấm vào Nhà Trắng

Nhà báo Jim Asosta, Trưởng ban Nhà Trắng của CNN, vừa bị cấm vào Nhà Trắng lấy tin. Nhà báo Acosta xác nhận điều này trên Twitter tối 7-11. Sở dĩ thế vì ở cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 7-11, nhà báo Acosta đã có cuộc tranh luận gay gắt với ông Trump.

Cuộc họp báo được tổ chức với nội dung về cuộc bầu cử giữa kỳ. Xung đột xảy ra sau khi ông Trump hài tên các ứng viên Cộng hòa thất bại trong cuộc bầu cử, mà các ứng viên này không ủng hộ ông.

Ông Trump: Cậu là người mất lịch sự, ghê gớm!

Ông Trump bắt đầu nhận câu hỏi. Đến phiên mình, nhà báo Acosta cố gắng hỏi chủ trương của ông Trump trong việc xử lý đoàn người di cư Trung Mỹ đang từ Mexico tiến về Mỹ. Ông Trump ngay lập tức chặn lời ông Acosta ngay khi nhà báo này bắt đầu đặt câu hỏi, với câu nói: “Lại nữa rồi”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ngày 7-11 tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ngày 7-11 tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS

Ông Acosta vẫn tiếp tục bằng cách chỉ trích việc ông Trump dùng từ “xâm lược” để mô tả đoàn người di cư và hỏi ông Trump rằng liệu ông có nghĩ mình đã quá lời với họ không. Ông Trump nói ông muốn người nhập cư vào Mỹ bằng con đường hợp pháp.

Sau đó ông Trump cố chuyển sang nhà báo khác nhưng ông Acosta không chịu đưa lại micro, tiếp tục đặt câu hỏi. Lần này ông Acosta hỏi về cuộc điều tra khả năng đội tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, muốn ông Trump nói về khả năng liệu có trường hợp truy tố nào không theo kết quả điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Ông Trump yêu cầu ông Acosta bỏ micro xuống, một nhân viên Nhà Trắng cố giành lại micro từ tay ông Acosta nhưng nhà báo này không đưa.

Nhà báo Acosta cố giữ micro dù nhân viên Nhà Trắng muốn lấy lại. Ảnh: REUTERS

Nhà báo Acosta cố giữ micro dù nhân viên Nhà Trắng muốn lấy lại. Ảnh: REUTERS

Cuối cùng thì ông Acosta cũng trả mirco và ngồi xuống. Đứng trên bục, ông Trump bắt đầu có những lời nặng nề với ông Acosta: “CNN nên cảm thấy xấu hổ vì có cậu trong đội ngũ. Cậu là một người mất lịch sự, ghê gớm. Cậu không nên làm việc cho CNN”.

CNN bị gắn mác “hãng tin giả”

Thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết ông Acosta bị cấm vào Nhà Trắng do đã cố giữ lại micro trong cuộc họp báo với ông Trump, dù nhân viên Nhà Trắng đã cố lấy lại. Theo bà Sanders, hành động của ông Acosta “hoàn toàn không thể chấp nhận”, “hơn nữa lại cho thấy không có sự tôn trọng với các đồng nghiệp khác khi không cho họ cơ hội đặt câu hỏi”.

Ông Acosta và ông Trump từng chạm trán nhau trước đó và nhà báo này đã trở thành một trong những mục tiêu của ông Trump khi ông chỉ trích truyền thông. Ông Trump từng từ chối nhận câu hỏi từ ông Acosta trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Theresa May hồi tháng 7.

“CNN là hãng tin giả. Tôi không nhận câu hỏi từ CNN” - ông Trump nói.

CNN ra tuyên bố trên tài khoản Twitter của mình rằng: “Các cuộc tấn công của tổng thống với truyền thông đã đi quá xa. Chúng không chỉ nguy hiểm mà còn gây lo lắng cho nước Mỹ. Tổng thống Trump một mặt thề bảo vệ tự do truyền thông, một mặt nói không tôn trọng nó. Tự do truyền thông là điều sống còn với dân chủ và chúng tôi ủng hộ Kim Acosta cũng như các nhà báo ở khắp nơi”.

Ông Trump chỉ tay và có những lời lẽ nặng nề với ông Acosta. Ảnh: REUTER

Ông Trump chỉ tay và có những lời lẽ nặng nề với ông Acosta. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, bà Ronna McDaniel - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Cộng hòa chỉ trích nhà báo Acosta: “Tất cả chúng tôi đánh giá cao truyền thông tự do nhưng không may là có một số nhà báo muốn thể hiện mình nhiều hơn là làm công việc của họ”.

Không chỉ nhà báo CNN bị gay gắt

Cuộc họp báo ngày 7-11, kéo dài khoảng một giờ rưỡi, là một trong những cuộc họp báo dài nhất của ông Trump từ đầu nhiệm kỳ đến giờ.

Sau xung đột với ông Acosta, ông Trump chuyển sang nhận câu hỏi từ một nhà báo khác. Lần này là nhà báo Peter Alexander - Trưởng ban Nhà Trắng của NBC News.

Trước mặt ông Trump, nhà báo Alexander lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp Acosta: “Để giải thích cho Jim, tôi muốn nói tôi đã đến đây cùng với anh ấy và quan sát anh ấy. Anh ấy là một nhà báo hết mình vì công việc như tất cả chúng tôi”. Và ông Trump nói lại: “Vậy tôi cũng không phải là người hâm mộ của cậu”.

Nhà báo Acosta bị cấm vào Nhà Trắng lấy tin sau khi xung đột với ông Trump. Ảnh: REUTERS

Nhà báo Acosta bị cấm vào Nhà Trắng lấy tin sau khi xung đột với ông Trump. Ảnh: REUTERS

Lúc đó nhà báo Acosta lại đứng dậy nói gì đó với ông Trump khi không có micro và ông Trump nói lại: “Khi cậu đưa tin giả, điều mà CNN làm rất nhiều, cậu là kẻ thù của mọi người”. Nhà báo Acosta sau đó cám ơn đồng nghiệp Alexander.

Một lúc sau đó, ông Trump tiếp tục nhận câu hỏi khác. Nhà báo Yamiche Alcindor, Trưởng ban Nhà Trắng của PBS, hỏi về chuyện ông Trump xem mình là người theo chủ nghĩa dân tộc và liệu chủ nghĩa dân tộc da trắng có tác động tới ông không.

“Tôi không biết tại sao cô nói điều này. Một câu hỏi phân biệt chủng tộc” - ông Trump đáp lại.

Trên Twitter sau đó, nhà báo Alcindor viết rằng: “Tôi đơn giản chỉ hỏi câu mà công chúng muốn biết thôi”.

Tại cuộc họp báo ông Trump cũng yêu cầu nhà báo April Ryan của American Urban Radio Networks ngồi xuống, gọi đây là “một cơ quan truyền thông hiếu chiến”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm