Đàm phán Mỹ-Triều tiếp tục bế tắc

Họp báo ngày 7-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chính phủ ông “rất vui với những gì đang diễn ra với Triều Tiên”. Tuy nhiên, theo các diễn biến đang xảy ra và theo những gì nhiều nguồn tin Mỹ và nước ngoài liên quan đến đối thoại Mỹ-Triều nói thì bức tranh đàm phán không lạc quan như hình ảnh ông Trump vẽ ra.

Triều Tiên đòi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt

Ngày 7-11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cuộc đối thoại cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại New York (Mỹ) ngày 8-11 (giờ Mỹ) đã bị hoãn nhưng không nói rõ lý do. Cuộc gặp được cho là bước chuẩn bị cho kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ thì cuộc gặp này sẽ diễn ra vào một ngày trễ hơn và hai bên sẽ gặp lại khi lịch trình của hai phía cho phép.

Diễn biến này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên cảnh cáo sẽ khôi phục chính sách quốc gia củng cố kho vũ khí hạt nhân trừ khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt cho mình.

Nói với CNN, nhiều quan chức quân đội và ngoại giao Mỹ cũng như nhiều nguồn tin biết rõ tiến trình đàm phán Mỹ-Triều cho biết hai bên đang bế tắc. Nhà nghiên cứu Bruce Klingner, từng là phó trưởng ban phân tích Triều Tiên của CIA, nhận định: “Hai bên rõ ràng vẫn còn ở rất xa nhau”. Ông Klingner nhắc đến các thực tế Triều Tiên gần đây dọa khôi phục hạt nhân nếu Mỹ không bỏ trừng phạt, Triều Tiên vẫn chưa cử người gặp ông Stephen Biegun - đặc phái viên của Mỹ về hạt nhân Triều Tiên, đại diện đặc biệt của ông Pompeo. Hơn hết là chuyện hai nước vẫn chưa thống nhất định nghĩa các điều khoản cơ bản như “giải trừ hạt nhân” dù đã năm tháng sau cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim.

CNN cho biết Triều Tiên thật sự giận dữ về chuyện Mỹ từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Đầu tháng 11, Triều Tiên nói đã làm mọi điều có thể với tất cả thiện chí với Mỹ. Điều còn lại là Mỹ phải phản ứng phù hợp, nếu không thì nước này “sẽ không tiến thêm thậm chí 1 mm nào nữa”.

Các hành động của Triều Tiên mấy tháng qua có thể kể đến: Đóng cửa một điểm thử động cơ tên lửa, phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri, hứa đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon - nơi được cho là sản xuất nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ có bước đi thiện chí đáp lại.

Cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều không được lạc quan như nụ cười rạng rỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong lần gặp tại Triều Tiên hồi tháng 10.  Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ

Tại sao Mỹ không dỡ bỏ trừng phạt?

Tuy nhiên, ông Pompeo tuần trước khẳng định trừng phạt vẫn sẽ được giữ nguyên đến khi nào Triều Tiên hoàn tất giải trừ hạt nhân. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Mỹ không dỡ bỏ trừng phạt? Theo nhà phân tích cấp cao Duyeon Kim tại Trung tâm Vì an ninh mới cho nước Mỹ, trừng phạt có thể là bước đi đầy rủi ro với Mỹ. Sở dĩ thế vì một khi dỡ bỏ, Mỹ sẽ khó trừng phạt lại vì Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Dù không dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhưng vì theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên, Mỹ thời gian qua đã hoãn và hủy nhiều cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Đầu tuần này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford có nói nếu đối thoại Mỹ-Triều có tiến triển thì có thể sẽ có thay đổi về hiện diện quân sự Mỹ ở bán đảo Triều Tiên. Mỹ đang có 28.500 quân ở Hàn Quốc. Nhà phân tích quân sự và ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng ông Dunford “cố truyền tải thông điệp là hiện diện quân sự của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của căng thẳng”.

Liệu đàm phán có sụp đổ?

Nhà phân tích cấp cao Adam Mount lo ngại hai bên rồi đây sẽ không kiểm soát được căng thẳng và đàm phán sẽ sụp đổ. Và theo ông, nếu thế thì đây sẽ là cuộc đàm phán hạt nhân thất bại nhanh nhất trước nay giữa hai nước.

Tuy nhiên, ngày 7-11, khi được hỏi liệu có phải đối thoại đã bị bế tắc hay không, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino vẫn nói Mỹ tự tin rồi đây Triều Tiên sẽ cho phép các thanh sát viên vào kiểm tra các cơ sở hạt nhân. Nhiều quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cũng đánh giá ông Kim Jong-un nghiêm túc với ý định giải trừ hạt nhân.

Trong khi đó, chuyên gia an ninh hạt nhân Naoko Aoki nhận định dù đàm phán không lạc quan nhưng sẽ không bên nào từ bỏ ngoại giao. Lý do ông Trump vẫn muốn Triều Tiên giải trừ hạt nhân và ông Kim vẫn cần có quan hệ tốt hơn với thế giới cho các mục tiêu phát triển kinh tế của mình. Ông Trump trong ngày 7-11 vẫn nói ông có thể gặp ông Kim vào đầu năm sau.

Hàn Quốc thất vọng

Hàn Quốc tỏ ra thất vọng khi cuộc gặp giữa ông Mike Pompeo với ông Kim Yong-chol bị hủy. Nói với CNN, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này đã rất hy vọng sẽ có một tiến trình thực sự tiến đến giải trừ hạt nhân và thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán cấp cao Mỹ-Triều Tiên. Và giờ thì “thật đáng tiếc là cuộc gặp sẽ không diễn ra”. Dù sao Hàn Quốc vẫn hy vọng cuộc gặp sẽ được thiết kế lại càng sớm càng tốt. Mấy tháng qua Hàn Quốc rất nỗ lực vừa giữ vai trò trung gian giữa Mỹ-Triều, vừa cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Quan điểm của Hàn Quốc là muốn Mỹ bỏ trừng phạt Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm