Đau thương và chối bỏ

Tháng 9-2015, cả thế giới bị sốc khi nhìn thấy hình ảnh cậu bé Alan Kurdi nằm chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là thời điểm dòng người tị nạn từ các quốc gia đầy đau thương ở Trung Đông và châu Phi đổ sang châu Âu tìm kiếm một cuộc sống yên ổn hơn ngày càng nhiều. Truyền thông thế giới mỗi ngày đầy rẫy hình ảnh người tị nạn sống vật vờ trong các trại tị nạn ở châu Âu.

Nước mắt cho mất mát của nhân loại

“Tôi vừa từ trại tị nạn The Jungle ở TP Calais (Pháp) trở về sau một tuần cùng các đồng nghiệp chăm sóc những con người đau khổ này. Trong rất nhiều con người chịu nhiều tổn thương cả từ thể xác tới tinh thần mà tôi đã gặp và chăm sóc, có một người đàn ông mà cả đời này tôi sẽ không thể nào quên được. Hình ảnh anh ấy là sự nhắc nhớ về thực tế một bộ phận đồng loại mình đã phải chịu đựng sự thống khổ to lớn đến mức nào.

Nhìn chiếc áo mà anh ấy phải rất cố gắng để cởi ra khỏi người, tôi nhận thấy nó đã nhiều lần thấm máu. Rồi thì tôi chỉ có thể đứng nhìn cơ thể đầy vết thương của anh trong nghẹn ngào. Trên mình anh có tất cả tám vết thương. Anh đã bị Taliban tra tấn ở Afghanistan một tháng trước.

Chăm sóc, làm lành những vết thương này không khó. Khó khăn và đau đớn đến với tôi khi tôi nhìn thấy những nỗi khiếp sợ trong mắt anh ấy. Anh lo sợ cho cuộc sống của mình và cho những người thân còn ở quê nhà. Tất cả những gì hai chúng tôi có thể làm được lúc đó là ôm và khóc cùng nhau. Hai con người khóc cho sự mất mát của nhân loại, khóc cho thực tế con người đang phải chịu đựng tội ác mà con người làm với nhau.

Những gì họ đang đối mặt sau khi rời bỏ quê nhà chìm ngập trong chiến tranh là sự chối từ, là những đối xử không có tình người ở Liên minh châu Âu vốn đang tồn tại với những giá trị quá khác với những giá trị mà khối nước này đã có khi mới thành lập”.

Một sinh linh bé nhỏ ra đời trong trại tị nạn và được tắm rửa sơ sài, tạm bợ ngay cửa lều ở thị trấn Idomeni (Hy Lạp) giáp Macedonia. Ảnh: GETTY IMAGES

Tính toán, chối bỏ lạnh lùng

Trên đây là chia sẻ của bác sĩ Fintan Sheerin làm việc tại ĐH nghiên cứu Trinity College Dublin (Ireland) sau chuỗi ngày chăm sóc người tị nạn ở châu Âu với báo Independent (Anh). Đối lập với tâm tư day dứt của bác sĩ Fintan Sheerin và nỗi đau của người tị nạn là sự tính toán lạnh lùng của chính trị.

Ngày 18-3 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức ký thỏa thuận thống nhất cách đối phó với người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận lại toàn bộ người tị nạn đã đến Hy Lạp và ngăn chặn người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển sang châu Âu. Trong thỏa thuận có một điều khoản do Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị, cứ một người Syria Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại từ Hy Lạp, EU sẽ chấp nhận một người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được một số lợi ích về chính trị và tài chính từ châu Âu. Theo dự thảo thỏa thuận thì EU sẽ hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ 6,6 tỉ USD trong ba năm (2016-2018), sẽ bỏ yêu cầu thị thực cho dân Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu vào cuối tháng 6, đẩy nhanh hơn tiến trình đàm phán cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.

Trong khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoğlu lạc quan thỏa thuận sẽ làm giảm đáng kể số người tị nạn đến Hy Lạp trong vòng một tháng thì ngày 8-3, Cao ủy Người tị nạn LHQ Filippo Grandi tuyên bố nó vi phạm luật pháp quốc tế.

Trình bày với Quốc hội châu Âu, ông Filippo Grandi cho rằng việc đuổi một người tị nạn ra khỏi châu Âu chỉ được thực hiện khi nào chứng minh được lý do xin tị nạn của họ không chính đáng. Còn không họ phải được hưởng các quyền tị nạn theo tiêu chuẩn quốc tế, được tiếp cận học hành, việc làm, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ xã hội.

Theo luật quốc tế, châu Âu chỉ được trả lại người tị nạn cho Thổ Nhĩ Kỳ một khi Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng được tất cả tiêu chuẩn cho người tị nạn: an toàn, tiếp cận học hành, việc làm, y tế và EU đồng ý xem xét, giải quyết yêu cầu xin tị nạn cho họ. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và EU đều không có những điều này.

Không rõ rồi cái thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ có bị kiện ra tòa án quốc tế hay không. Nhưng theo hãng tin BBC (Anh), dù có kiện đi nữa thì cũng phải mất hàng năm mới có phán quyết, trong thời gian này thì EU vẫn sẽ đóng cửa với người tị nạn.

Theo BBC, khoảng 1,25 triệu người tị nạn đến châu Âu trong năm 2015, 90% là chạy trốn chiến tranh ở quê nhà Syria, Afghanistan, Iraq và một số nước khác ở Trung Đông, Bắc Phi. Syria dẫn đầu về số người tị nạn, kế theo là Afghanistan.

Hành trình đến châu Âu của phần lớn người tị nạn như sau: Sang Thổ Nhĩ Kỳ, vượt biển Địa Trung Hải sang Hy Lạp, rồi từ Hy Lạp vào sâu trong các nước châu Âu khác như Đức, Pháp…

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là hai địa điểm đang có nhiều người tị nạn nhất. Chỉ riêng số người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ đã là 2,7 triệu người.

Đau thương và bế tắc

Trong một trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, bà cụ Raja Banout người Syria, 60 tuổi với mái tóc bạc và đôi mắt u tối ngồi khóc lặng lẽ. “Tôi ngạc nhiên là mình vẫn còn nước mắt để khóc” - bà nói.

Vì chiến tranh, gia đình bà Raja Banout đã từ bỏ nhà cửa ở Damascus (Syria). Giờ thì gia đình bà phân tán hết cả. Hai con gái và cháu trai bà đang ở Đức, một con gái khác ở Thụy Điển, chồng bà thì ở Qatar, còn bà vẫn đang kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi tháng 12-2015, một nhà báo người Syria tên Naji Jerf đã đồng ý đến Pháp gửi yêu cầu xin được tị nạn tại Pháp của bà. Nhưng rồi ông bị các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắn chết ngay buổi sáng trước khi ra sân bay.

Hy Lạp đang có khoảng 47.000 người tị nạn, trong đó có khoảng 13.000 người đang kẹt ở thị trấn Idomeni (Hy Lạp) giáp với Macedonia vì Macedonia đóng cửa biên giới, từ chối tiếp nhận.

Tình cảnh bế tắc của họ thể hiện rõ qua hình ảnh bà mẹ trẻ Kadriya Jasem người Syria tuyệt vọng ôm đứa con bốn tháng tuổi bị bệnh: “Chúng tôi sẽ ở đây thậm chí có phải chết. Làm ơn mở cửa biên giới dù chỉ là cho trẻ em”. Lời van nài của chị rơi vào hư không.

Số phận của hàng chục ngàn người tị nạn ở Hy Lạp chưa biết sẽ đi về đâu dù phần lớn họ vẫn quyết tâm nỗ lực tìm cách đến Đức, dù EU và Thổ Nhĩ Kỳ có ký thỏa thuận ngăn họ đi nữa.

Rủi ro, bất trắc, nhọc nhằn, vất vả đối với những người tị nạn vào được sâu trong châu Âu đã giảm đi nhưng đổi lại, họ phải đối mặt với sự hoang mang và thất vọng khi thực tế không như họ đã mong chờ.

Sau khi mạo hiểm mạng sống vượt biển Địa Trung Hải và hai tháng trời sống trong ác mộng tại các trại tị nạn ở Đức, anh Mohammed Asif quyết định mua vé một chiều bay về lại Afghanistan, từ bỏ giấc mơ châu Âu. Anh là một trong hàng trăm người quyết định rời Đức về lại Afghanistan.

Chia sẻ với hãng tin AFP (Pháp) sau khi đã về lại Afghanistan, anh cho biết ra đi từ một đất nước bị xé nát bởi chiến tranh và chìm trong đói nghèo, anh hy vọng sẽ tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu nhưng tất cả những gì anh nhận lấy ở đây chỉ là thái độ kỳ thị và sự đau đớn. Giấc mộng châu Âu của anh đã vỡ với thực tế phải sống chen chúc, vật vờ ở các trại tị nạn, không công việc, ngày ngày đối mặt với sự kỳ thị của dân bản xứ rằng những người như anh sẽ hủy hoại văn hóa nước họ.

Từ chối chỉ khiến người tị nạn liều lĩnh hơn

Nhiều chuyên gia về nhập cư cho rằng thỏa thuận của EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không khiến người tị nạn từ bỏ, họ sẽ trở nên liều lĩnh và tìm đường khác đến châu Âu. Điều này có nguy cơ làm cho quá trình tìm kiếm tị nạn của họ nguy hiểm hơn.

Lo lắng này có cơ sở khi theo báo IBTimes (Mỹ), các nước Estonia, Latvia, Lithuania hiện đã bắt đầu dựng hàng rào và kiểm soát chặt hơn biên giới phòng khả năng vùng Baltic trở thành điểm mới của người tị nạn dùng để tiếp cận châu Âu. Một đội tàu hải quân NATO đã bắt đầu tuần tra biển Aegean để ngăn chặn người tị nạn vượt biển vào châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm