Đầu tư vốn và bất bình đẳng kinh tế

Capital in the Twenty-First Century (Đồng vốn trong thế kỷ 21) là cuốn sách mới nhất của ông hoàn thành năm 2013, dày gần 700 trang.

Biểu đồ đường cong Kuznets của nhà kinh tế Mỹ Simon Kuznets (1901-1985) mô tả mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bất bình đẳng kinh tế trong giai đoạn 1950-1960. Theo biểu đồ này, bất bình đẳng kinh tế có nảy sinh và phát triển vào thời điểm khởi đầu cuộc cách mạng công nghiệp nhưng về sau giảm dần. Chủ yếu vì sự tái phân phối lực lượng lao động từ các lĩnh vực năng suất thấp như nông nghiệp sang các lĩnh vực năng suất cao như công nghiệp.

Tuy nhiên, với dữ liệu thuế hàng thập niên của gần 50 nước, trong trường hợp Pháp tham khảo dữ liệu thuế cả đến thế kỷ 18, cuốn Capital in the Twenty-First Century của Thomas Piketty cho thấy quan điểm bất bình đẳng kinh tế giảm dần của Simon Kuznets, thể hiện trong biểu đồ đường cong Kuznets chỉ đúng trong hoàn cảnh lúc đó khi hai cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm hư hao phần lớn tài sản của bộ phận người giàu.

Nhà kinh tế học Pháp Thomas Piketty và cuốn sách Capital in the Twenty-First Century.

Thêm nữa, thời gian này các nước chủ ý đề ra các chính sách kinh tế có thể phân phối lại thu nhập và sức mạnh kinh tế trong khi phân bổ các thành tựu công nghệ mới nhất sang các nước đang phát triển. Sự tăng trưởng sản lượng kinh tế nhanh chóng trên gần như khắp thế giới đã làm giảm bớt vai trò của loại tài sản thừa kế và tạo ra một tầng lớp trung lưu mới trên toàn cầu sở hữu tài sản.

Sự suy giảm bất bình đẳng này không đảm bảo sẽ duy trì lâu dài. Đến thập niên 1970, đà tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển chậm lại, xu hướng tự nhiên của chủ nghĩa tư bản là bất bình đẳng giàu nghèo và thu nhập lại trỗi dậy và phát triển. Thực tế là bất bình đẳng kinh tế đã tăng mạnh ở Mỹ trong 30 năm qua bằng mức với thời điểm thập niên 1930.

Lý do, tỉ lệ thu nhập trên đồng vốn sử dụng (tạm gọi là r) vượt quá tỉ lệ tăng trưởng kinh tế (tạm gọi là g) tới nhiều lần (r>g). Hiểu đơn giản hơn, thu nhập từ đầu tư vào các kênh tài chính có khuynh hướng nhiều hơn và tăng nhanh hơn thu nhập từ đầu tư sản xuất. Những người đã giàu sẽ ngày càng giàu hơn với việc tung tiền ra đầu tư vào các kênh tài chính.

Thomas Piketty cho rằng bất bình đẳng kinh tế là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản và là bất cập chính, dài hạn của kinh tế Mỹ, các cộng đồng nói tiếng Anh và các nước ở châu Âu. Với ông, đường cong Kuznets đơn thuần chỉ như điều hoang đường mà Mỹ và châu Âu đưa ra để lôi cuốn các nước đang phát triển vào con đường tư bản.

Ông dự đoán kinh tế thế kỷ 21 sẽ tăng trưởng chậm, tình hình bất bình đẳng kinh tế sẽ trở nên gay gắt hơn. Nếu bất cập này không được ngăn chặn, giải quyết thì xã hội thế kỷ 21 sẽ quay trở lại thế kỷ 19 - cả nền kinh tế chịu quyền kiểm soát của một bộ phận người giàu. Ông cho rằng biện pháp hạn chế bất cập này là tăng thuế đánh vào tài sản, của cải con cháu thừa hưởng từ thế hệ trước.

Nhà kinh tế học Thomas Piketty đã và đang đi khắp Bắc Mỹ để giới thiệu về cuốn sách Capital in the Twenty-First Century. Đêm nói chuyện tại Trường Graduate Center thuộc hệ thống Trường ĐH công Cuny ở TP New York (Mỹ) 16-4 được xem là thành công và được đón nhận nhiều nhất - như nhận định “vé nghe nhà kinh tế học Thomas Piketty nói chuyện là chiếc vé nóng nhất TP” của hiệu trưởng lâm thời Chase Robinson của Trường Graduate Center.

Buổi nói chuyện có sự tham dự của rất nhiều nhà kinh tế nổi tiếng như Joseph Stiglitz (Mỹ) từng đoạt giải Nobel Kinh tế, John Bates Clark (của Hội Kinh tế Mỹ vì có đóng góp lớn cho tư tưởng và lý luận kinh tế học) và Paul Krugman - từng đoạt giải Nobel Kinh tế.

Tham gia cuộc nói chuyện này gồm những người thuộc ba thế hệ. Phần lớn là thế hệ Baby Boomers (sinh ra trong khoảng 1946-1964), cùng với hai thế hệ trẻ hơn, X - sinh trong khoảng giữa thập niên 1960-1980 và Y - sinh trong khoảng giữa thập niên 1980-2000.

Đây là sự kiện không dễ dàng với thế hệ Baby Boomers khi trong đêm nói chuyện họ phải đối mặt với những sai lầm của mình do một người trẻ tuổi hơn (Thomas Piketty mới 42 tuổi) gợi ra. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để họ nhận ra “cái nhìn méo mó về thế giới” trước đây của mình - như lời nhà kinh tế học Joseph Stiglitz - cũng như nghĩ cách đưa thế giới trở lại hướng đi đúng.

Với các thế hệ trẻ hơn, cuộc nói chuyện thậm chí còn quan trọng hơn: Nếu không đưa thế giới trở lại đúng hướng thì tình trạng bất bình đẳng kinh tế vốn đã trở thành một phần chính trong đời sống Mỹ sẽ trở nên tệ hơn nữa - dự đoán trong cuốn Capital in the Twenty-First Century.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm