Donald Trump và 'thuốc đắng' cho truyền thông Mỹ

Donald Trump sẽ là tổng thống mới của Mỹ.

Tất cả mọi kênh thăm dò đều dự đoán bà Hillary Clinton sẽ thắng, dù đậm hay nhạt thì kiểu gì cũng sẽ thắng. Thế mà cuối cùng một Trump không kinh nghiệm chính trị, ăn nói bỗ bã lại trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ, chứ không phải một nữ chính trị gia lịch thiệp, chuẩn mực, kinh nghiệm đầy mình Clinton.

Điều gì đã xảy ra?

Khuôn khổ bài báo này không đề cập đến các yếu tố khác, chỉ đề cập đến vai trò của truyền thông. Báo Washington Post có bài phân tích của nhà báo Mỹ Margaret Sullivan về vai trò của truyền thông trong sự thắng thua của ông Trump và bà Clinton.

Theo nhà báo Sullivan, nói thẳng thừng là truyền thông đã né một câu chuyện thật và cuối cùng thì câu chuyện cũng đã rõ, người Mỹ muốn điều khác biệt. Thật ra ngay từ đầu các cử tri Mỹ đã nói ra thậm chí hét to điều đó, chỉ là truyền thông không chịu nghe, không chịu tiếp nhận.

Truyền thông không chấp nhận rằng các đám đông hăng hái tụ tập tại các buổi vận động của ông Trump sẽ thật sự trở thành rất nhiều lá phiếu. Truyền thông không thể tin và không muốn tin rằng người Mỹ có thể chấp nhận một người phạm quá nhiều sai lầm cá nhân về mặt tư cách lại như ông Trump. Trong suy nghĩ của những người làm truyền thông, "Tổng thống Trump" tuyệt đối không thể xảy ra.

Truyền thông có vai trò không hề nhỏ trong chuyện thắng thua bầu cử Mỹ.

Truyền thông có vai trò không hề nhỏ trong chuyện thắng thua bầu cử Mỹ. Ảnh: CBS

Một bộ phận lớn các nhà báo trong guồng máy truyền thông này - những người có bằng đại học, sống ở thành thị và phần lớn là theo tư tưởng tự do - tập trung sống và làm việc ở TP New York, thủ đô Washington hoặc bờ biển phía tây nước Mỹ.

Trong suốt kỳ chạy đua bầu cử, đặc biệt trong những ngày cuối cùng, rất nhiều nhà báo đã ăn dầm nằm dề ở các bang “đỏ” - bang đa số ủng hộ đảng Cộng hòa, phỏng vấn người dân ở đây. Tuy nhiên, họ đã không thật sự đánh giá đúng những thông điệp của người dân hoặc đánh giá chưa đủ nghiêm túc.

Bản thân ông Trump chẳng đề cao gì các nhà báo, thậm chí có lúc còn chỉ trích họ là ăn tiền của bà Clinton. Chính thái độ này của ông Trump phần nào khiến các nhà báo không giữ được cái nhìn khách quan về ông. Mỗi một lần thêm một kết quả thăm dò là thêm một lần cái nhìn đầy định kiến này lại được cổ súy thêm, dù nhà báo nào cũng biết kết quả thăm dò không phải là lá phiếu.

Sau tất cả, các nhà báo chẳng bao giờ biết trước được có bao nhiêu người ủng hộ Trump, sẽ bầu cho Trump nhưng chỉ giữ âm thầm không công khai, đặc biệt khi người họ ủng hộ đang gặp một cuộc "đàn áp" mạnh chưa từng có trước nay từ truyền thông. Sau cuộc bầu cử, rõ ràng có rất nhiều người dù ủng hộ ông Trump nhưng không dám hy vọng ông sẽ thắng vì sức ủng hộ của truyền thông với bà Clinton quá lớn. Tất cả cuộc thăm dò đều là bà Clinton dẫn trước.

Một câu hỏi khác: Có phải truyền thông đã góp phần mang lại cơ hội cho ông Trump? Có phải các nhà báo đã tạo ra ông Trump? Dĩ nhiên là không - họ không có khả năng đó. Tuy nhiên, họ đã vô tình có sự giúp đỡ lớn với ông Trump để đưa ông đến chiến thắng. Đứng trước hai thái cực trái ngược nhau - một người thì được truyền thông tung hô, bảo vệ, một người thì bị vùi dập, chỉ trích - người dân Mỹ bên cạnh dần đồng cảm với ông Trump thì cũng sẽ dần bớt tin vào bà Clinton và vào truyền thông.

Tỉ phú Mỹ Peter Thiel có một nhận định rất hay: “Truyền thông luôn luôn diễn giải về Trump đúng, chính xác những từ ngữ mà ông nói, không bao giờ chịu hiểu khái quát ý ông muốn đề cập". Nhưng rất nhiều người dân Mỹ có cách nghĩ ngược lại. Họ hiểu thoát ý ông muốn đề cập chứ không chăm chăm vào từng câu chữ.

Khi ông Trump nói: “Chúng ta sẽ xây một bức tường ngăn biên giới Mexico...” họ nghĩ ông Trump không thực sự có kế hoạch xây một bức tường. Cái họ nghe được là: “Chúng ta sẽ có một chính sách nhập cư đúng mực và thực tế hơn”. Họ nghĩ rằng ông Trump mới chính là người hiểu được tâm tư người dân Mỹ.

Dù thế nào, theo nhà báo Sullivan, cũng khó trách được truyền thông và các nhà báo trong chuyện này. Dù thế nào, các nhà báo cũng chỉ vì ý muốn tạo dựng một nước Mỹ xem lễ nghi phép tắc và phép lịch sự là hàng đầu, một đất nước không chấp nhận để một người thô lỗ, không đúng mực thậm chí hằn học làm lãnh đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm