Động đất ở Nepal: Chính quyền và ‘công dân mạng’ cùng ứng cứu

Những hoạt động cứu hộ quy mô lớn đang được tiến hành để giải cứu những người leo núi trên đỉnh Everest sau vụ lở tuyết thảm khốc - hệ quả của trận động đất.

Đối mặt tử thần trên đỉnh Everest

Hiện có ít nhất 17 người được xác nhận là đã thiệt mạng sau khi vụ lở tuyết quét qua khu vực cắm trại - nơi có 400 người đang chuẩn bị chinh phục ngọn núi, trong đó có giám đốc điều hành người Mỹ của Google - Daniel Fredinburg

Alex Schneider và Sam Chappattee - cặp đôi mới cưới đang đi hưởng tuần trăng mật kể lại trên blog: “Mặt đất bắt đầu rung chuyển dữ dội. Chúng tôi loạng choạng đi ra ngoài và nhìn thấy một trận tuyết lở đang tiến thẳng về phía mình. Chúng tôi đã bị một trận gió quật ngã nhưng đã đứng dậy và chạy ra chỗ trú ẩn đằng sau vài cái lều và lấy rìu giữ thăng bằng”. Pemba Sherpa - một hướng dẫn viên 43 tuổi tại khu vực núi Everest đã gây ngạc nhiên khi vẫn sống sót. Ông thuật lại rằng: “Tôi nghe thấy một tiếng động mạnh rồi bị cuốn đi gần 200 m. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang trong một căn lều và bao quanh là những người nước ngoài. Tôi thậm chí còn không biết điều gì vừa xảy ra và mình đang ở đâu”.

Đến cuối ngày 27-4, có 22 người bị thương nặng nhất đã được trực thăng đưa đến cơ sở y tế gần nhất ở làng Pheriche. Tuy nhiên, thời tiết xấu và liên lạc kém đã khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Hiện vẫn còn hàng trăm người bị mắc kẹt trên dãy núi Everest chờ được trực thăng đến cứu.

Các công dân Israel quay về nước cùng với các em bé sinh ra nhờ “mang thai hộ”. Nguồn: Y NET NEWS

Trực thăng cứu hộ nỗ lực tiếp cận các nhà leo núi còn đang mắc kẹt trên dãy núi Everest. Nguồn: THE TELEGRAPH

Israel và chiến dịch giải cứu trẻ mang thai hộ

Song song với các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn của các nước, hôm 26-4 Israel đã gửi hai máy bay tới giải cứu các công dân Israel bị mắc kẹt và viện trợ y tế cho người dân Nepal. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gửi một thông điệp tới người đồng cấp Sushil Koirala cho biết Israel sẵn sàng cấp cứu, giải nguy và viện trợ y tế. “Đất nước và nhân dân Israel luôn sát cánh cùng các bạn trong thời khắc này”, thư viết. Tính đến thời điểm này, khoảng 250 người Israel đã mất tích.

Theo tờ Ynet News, trong số những người Israel được giải cứu, có khoảng 26 trẻ em là con của những bà mẹ Nepal “mang thai hộ” những cha mẹ người Israel. Trên chuyến bay đầu tiên của Israel chở những đứa bé sơ sinh cùng những người Israel bị thương vừa hạ cánh hôm tối 26-4 có Omri Lanzet đang bế đứa con trai 10 ngày tuổi tên Yonatan của mình. Cả hai cha con anh vừa từ sân bay đã đến thẳng Trung tâm Y tế Soroka ở Be’er Sheva. Sau khi khám xong, các bác sĩ cho biết mặc dù cậu bé bị thương ở chân nhưng tình trạng ổn định. Trên chuyến bay còn có hai gia đình khác và cũng được yêu cầu đưa con tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Hôm 26-4, một nhóm chuyên giải quyết các vấn đề khẩn cấp của Israel (Magen David Adom - MDA) đã đến Đại sứ quán Israel ở Nepal để kiểm tra sức khỏe cho 28 đứa bé sơ sinh ở đây và sẽ chăm sóc chuyên sâu hơn khi đã trở về Israel.

Mạng xã hội: Nơi gửi gắm những hy vọng

Khi những hỗ trợ chưa thể đến được tất cả những nơi cần sự giúp đỡ, mạng xã hội đã bất ngờ trở thành một cứu cánh cho nạn nhân thảm họa lẫn những người thân của họ đang cách Nepal hàng ngàn cây số. Một số ít người tại thủ đô Kathmandu có khả năng truy cập vào các trang mạng xã hội lớn trên thế giới như Facebook hay Twitter và qua đó liên hệ với các cộng đồng người Nepal ở nước ngoài, hoặc với các chuyên gia trong lĩnh vực thiên tai thảm họa, chuyển lên các chiến dịch truyền thông mạng xã hội. Nhờ đó, chỉ trong vòng vài giờ, cộng đồng mạng đã tự tổ chức lại với nhau, cung cấp được những thông tin cực kỳ quan trọng về tình hình thảm họa và các nạn nhân. Các trang tìm kiếm người thất lạc đã nhanh chóng được lập ra trên Facebook, Twitter và nhiều trang mạng xã hội khác. Nhiều thành viên đang kêu gọi những người có điều kiện thiết lập các trạm phát mạng không dây tại các vùng chịu nhiều thiệt hại để hỗ trợ việc chia sẻ thông tin.

Google đã đẩy mạnh khuyến khích sử dụng công cụ “Person Finder” (tìm người) với mong muốn thu thập thông tin chi tiết về những thân nhân bị mất tích hay đã được tìm thấy từ những cá nhân và các phản ứng viên khẩn cấp. Trong vài giờ, danh tính của 200 nạn nhân đã được cập nhật. Công cụ Person Finder này làm “nhiệm vụ” lần đầu trong trận động đất ở Haiti năm 2010 và trong nhiều thảm họa kinh hoàng khác như thảm họa kép ở Nhật Bản năm 2011 và vụ đánh bom liên hoàn ở Boston năm 2013.

Trong khi đó, Facebook lại có ý định sử dụng mạng lưới khổng lồ với hơn 1,1 tỉ người dùng để hỗ trợ cho những người đang đối mặt với nguy hiểm tại Nepal. Ứng dụng mang tên “Safety Check” (kiểm tra an toàn) đã được Tổng Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg công bố khởi động ngay hôm 25-4. Ông lý giải: “Khi các thảm họa xảy đến, người ta cần được biết những người thân của họ có an toàn hay không. Điều này có ý nghĩa rất lớn”.

Với ứng dụng này, trong trường hợp người dùng đang ở gần nơi xảy ra một thảm họa thiên nhiên, Facebook sẽ gửi đến tài khoản của họ một tin nhắn hỏi xem họ có đang an toàn hay không. Trước đó, Facebook đã xác định vị trí của người dùng liệu có gần vùng nguy hiểm hay không dựa trên các địa điểm mà người dùng liệt kê trong thông tin cá nhân hoặc dựa trên địa điểm “check-in” gần nhất của họ. “Safety Check” còn cung cấp một danh sách các bạn bè trên Facebook ở gần vùng nguy hiểm có xác nhận an toàn hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm