‘Đường chín đoạn’ không có cơ sở pháp lý

Sau ba năm thụ lý, chiều 12-7, Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan) đã công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc (TQ). Phán quyết dày 497 trang.

Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử

Thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài thường trực nêu các điểm chính trong phán quyết như sau:

Yêu sách của TQ về vùng biển trong “đường chín đoạn” không dựa trên căn cứ pháp lý nào. TQ không có chủ quyền lịch sử trên phần lớn biển Đông.

•. Các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là “đá”, do đó không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Không có đảo nào trong quần đảo Trường Sa có thể quy chiếu vùng đặc quyền kinh tế cho TQ.

TQ đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines. TQ đã vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn va chạm xảy ra ở biển và an toàn hàng hải. Các cuộc tuần tra của tàu TQ có nguy cơ va chạm với tàu đánh cá Philippines.

Các công trình xây dựng của TQ có thể gây thiệt hại không thể khôi phục đối với các rạn san hô.

Người biểu tình Philippines ném hoa xuống sông ăn mừng phán quyết trọng tài tại Manila ngày 12-7. Ảnh: REUTERS

Các nước đều kêu gọi kiềm chế

AFP đưa tin vài phút sau khi Tòa Trọng tài thường trực công bố phán quyết, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay Jr. tuyên bố phán quyết của tòa trọng tài là hoàn toàn xứng đáng, Philippines kêu gọi các bên kiềm chế và tỉnh táo.

Lúc 10 giờ sáng 12-7, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Kristie Kenney đại diện cho ngoại trưởng Mỹ và đại sứ Mỹ tại Philippines trao đổi với ông Perfecto Yasay Jr. về phán quyết.

Bà Kristie Kenney nói: “Chúng tôi bày tỏ hy vọng các bên tôn trọng phán quyết, kiềm chế và sử dụng phán quyết như cơ sở để tiến tới giải quyết các yêu sách phức tạp và trái ngược nhau bằng giải pháp ngoại giao và tiến tới một giải pháp tích cực”.

Bà khẳng định Mỹ tôn trọng quyết định của Tổng thống Rodrigo Duterte về tiếp tục đàm phán song phương với TQ.

Người dân Manila đã tập trung biểu tình trước sứ quán TQ. Trên mạng xã hội, họ ca ngợi phán quyết là “chiến thắng của David trước Goliath”.

Theo báo New York Times, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố tranh chấp phải được giải quyết phù hợp luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai tuyên bố ASEAN sẽ thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông mang tính chất ràng buộc về pháp lý.

Báo Jakarta Post đưa tin Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố Indonesia kêu gọi các bên liên quan và có quan tâm đến tranh chấp biển Đông thể hiện thái độ kiềm chế, tránh mọi hành động có thể dẫn đến căng thẳng. Jakarta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Trung Quốc bác bỏ phán quyết

Ngay sau khi Tòa Trọng tài thường trực công bố phán quyết, Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố TQ không chấp nhận cũng như không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực.

Tân Hoa xã đưa tin tuyên bố của Bộ Ngoại giao TQ khẳng định: “Phán quyết này xem như không có”.

Tuyên bố nhận định “tòa trọng tài đã thực hiện cái gọi là phán quyết cuối cùng bất hợp pháp và vô hiệu” về tranh chấp trên biển Đông.

Tuyên bố khẳng định TQ đã nhiều lần tuyên bố phản đối vụ kiện của Philippines và tòa trọng tài không có thẩm quyền về vụ kiện này. Tuyên bố cho rằng phán quyết trọng tài sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ cùng với quyền và lợi ích trên biển Đông của TQ.

Tuyên bố nhấn mạnh TQ phản đối mọi yêu sách hay hành động dưới bất kỳ hình thức nào dựa trên phán quyết trọng tài.

Việt Nam hoan nghênh Tòa Trọng tài thường trực ra phán quyết cuối cùng

Ngày 12-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7-2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết”. Người phát ngôn một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán về vụ kiện này như tuyên bố ngày 5-1-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi tòa trọng tài.

Người phát ngôn nêu rõ: “Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS cũng như tất cả quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

V.THỊNH

_________________________________

Nhật kiên định ủng hộ tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp trên biển.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật FUMIO KISHIDA

Phán quyết không chỉ có lợi cho Philippines mà cũng có lợi cho nhiều nước ven biển Đông như Indonesia, Malaysia, Việt Nam. Nếu “đường chín đoạn” không có giá trị với Philippines thì cũng không có giá trị với các nước khác.

Luật sư PAUL REICHLER (Công ty luật Foley Hoag của Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm