Duterte đến Nhật nêu vấn đề biển Đông

Ngày 22-10, Tổng thống Duterte tuyên bố trong chuyến công du đến Nhật vào tuần tới, ông sẽ thảo luận các vấn đề về hợp tác kinh tế và các lợi ích chung. Và trong vấn đề lợi ích chung, chắc chắn ông sẽ nêu vấn đề biển Đông.

Nhật thận trọng khi tiếp ông Duterte

Ông Duterte cho biết ông sẽ nói với Thủ tướng Shinzo Abe rằng hai nước Philippines và Trung Quốc đều nhất trí không nước nào muốn “rắc rối dữ dội” xảy ra do tranh chấp lãnh thổ.

Ông cho biết sắp tới sẽ diễn ra các cuộc đàm phán song phương hay đa phương về biển Đông và nếu đó là đàm phán đa phương thì sẽ có Nhật tham gia.

Báo Japan Times ngày 22-10 ghi nhận chuyến thăm Nhật sắp tới của ông Duterte nhằm yêu cầu viện trợ kinh tế và kêu gọi đầu tư từ Nhật.

Điều đặc biệt báo giới chú ý là cách thức Thủ tướng Abe nói về tranh chấp ở biển Đông. Ông Duterte vừa tuyên bố “chia tay” với Mỹ và xích lại gần Trung Quốc trong khi Thủ tướng Abe lại rất cần duy trì các mục tiêu an ninh Nhật-Mỹ, đồng thời vẫn tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Báo Japan Times cho rằng Nhật sẽ giữ vai trò xoa dịu căng thẳng giữa Philippines và Mỹ. Báo dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật cho biết ông Abe dự tính sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan hệ Mỹ-Philippines vì quan hệ này giao thoa với quan hệ Nhật-Mỹ.

Các chuyên gia cảnh báo Nhật cần phải khéo léo để khỏi làm mất lòng ông Duterte trong khi ông Duterte đả kích Mỹ. Chuyên gia Tetsuo Kotani ở Viện Các vấn đề quốc tế (Nhật) lưu ý Nhật cần xây dựng chiến lược trung hạn và dài hạn tập trung củng cố năng lực và đầu tư cơ sở hạ tầng chờ lúc Manila chia tay với Bắc Kinh, vì cuối cùng thế nào cũng dẫn đến kết cục này.

Sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Duterte tại Bắc Kinh ngày 21-10, hai bên đã công bố tuyên bố chung. Ảnh: AP

Philippines vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Mỹ

Trong khi đó, hãng tin GMA News đưa tin tại cuộc họp báo ở Davos vào khuya 21-10 sau chuyến công du đến Trung Quốc, Tổng thống Duterte giải thích tuyên bố của ông về tách rời quan hệ quân sự và kinh tế với Mỹ hàm nghĩa không để siêu cường bức chế chứ không phải cắt đứt ngoại giao với Mỹ.

Ông nói cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ không có lợi cho người dân Philippines, vì có hàng triệu người Philippines và người Mỹ có tổ tiên là người Philippines sinh sống ở Mỹ.

Ông cho biết ông mong muốn tham vấn quân đội và cảnh sát về các hiệp định quân sự đã ký kết với Mỹ.

Tại cuộc họp báo, ông đánh giá: “Chuyến thăm Trung Quốc cấp nhà nước của tôi đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử và chứng tỏ hai nước hoàn toàn có thể hợp tác đôi bên cùng có lợi, dù chúng ta vẫn quyết tâm giải quyết hòa bình tranh chấp trên tinh thần tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế”.

Ông tiết lộ ông đã trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình về bãi cạn Scarborough và quyền đánh bắt của ngư dân Philippines trong vùng biển bãi cạn này. Ông nói đây là cuộc nói chuyện riêng và không nêu chi tiết nhưng Trung Quốc sẽ thể hiện hành động trong những ngày tới.

Ông khẳng định trong mọi vấn đề thảo luận và mọi cam kết, ông đều chú trọng đặt vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc lên trên hết.

Tuyên bố chung Trung Quốc-Philippines

Sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Duterte tại Bắc Kinh, ngày 21-10, hai bên đã công bố tuyên bố chung.

Tuyên bố chung khẳng định hai bên nhất trí tái lập hoàn toàn các quan hệ đã bị thiệt hại do tranh chấp hàng hải. Các tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua tham vấn và thương lượng hữu nghị “giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan đến tranh chấp”.

Hai bên sẽ mở một cơ chế song phương để thảo luận vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Cơ chế song phương bao gồm các cuộc thảo luận thường xuyên về các mối quan tâm của hai bên về biển Đông, thảo luận các biện pháp củng cố lòng tin, kiềm chế các hoạt động làm phức tạp hay gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

Tuyên bố chung tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Hai bên cam kết thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 và nỗ lực thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trong thời gian sớm nhất.

Tuyên bố chung cho biết cảnh sát biển của hai nước sẽ hợp tác đối phó với các sự cố về môi trường và tình hình nhân đạo khẩn cấp trên biển Đông.

Báo South China Morning Post ghi nhận tuyên bố chung không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài và không nhắc đến lời kêu gọi của ông Duterte “Trung Quốc phải tôn trọng quyền đánh bắt của ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough”.

. GS Vương Hàn Lĩnh ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đánh giá chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Duterte là thắng lợi về ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt là thắng lợi đối với Mỹ. Ông nhận định: “Nhưng đây không phải là thắng lợi duy nhất cho Trung Quốc. Đối với Philippines, nước này cũng đang trong tình trạng cả hai cùng thắng bởi vấn đề tranh chấp ở biển Đông không thể giải quyết ngày một ngày hai nhưng quan hệ tốt với Trung Quốc thì có thể được hưởng thành quả kinh tế”.

. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario tuyên bố Tổng thống Duterte chia tay với Mỹ và chìa tay với Bắc Kinh là

“bi kịch quốc gia”. Ông giải thích: “Tuyên bố thay đổi chính sách đối ngoại, gạt bỏ một đồng minh hiệu quả lâu đời để vội vã ôm chầm lấy một nước láng giềng hung hăng đã bác bỏ luật pháp quốc tế là hành động vừa dại dột vừa khó hiểu”. Ông là người tham gia vụ kiện yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm