Duy trì tự do hàng hải và hàng không

Kết thúc Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung lần thứ tám tại Bắc Kinh ngày 7-6, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì phát biểu với báo giới: “Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ quyền của các nước thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế”.

Ông nhắc lại quan điểm lâu nay của Trung Quốc rằng tranh chấp phải được các bên liên quan giải quyết thông qua đàm phán. “Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ nghiêm túc giữ lời hứa không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và Mỹ phải giữ vai trò mang tính xây dựng để bảo vệ hòa bình, ổn định ở biển Đông” - ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ không đưa ra quan điểm về chủ quyền của các thực thể đất nào trên biển Đông và các nước yêu sách chủ quyền cần phải kiềm chế.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi nhắc lại Mỹ ủng hộ thương lượng và một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp cùng việc chúng tôi quan ngại về bất kỳ hành động đơn phương của bất kỳ bên nào… nhằm thay đổi nguyên trạng”.

Ngoại trưởng John Kerry tham dự Tham vấn cấp cao về trao đổi giữa các dân tộc tại Bắc Kinh ngày 7-6. Ảnh: AP

Ông nói thêm ông và ông Dương Khiết Trì đã tiếp tục khẳng định quyết tâm của chính phủ hai bên về duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không.

Reuters đưa tin cùng ngày, bên lề cuộc đối thoại Mỹ-Trung, phái đoàn Mỹ đã tiếp xúc với tổng giám đốc các công ty Mỹ.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Jack Lew phát biểu các công ty Mỹ ngày càng cảm thấy không được chào đón ở Trung Quốc.

Ngoại trưởng John Kerry đã kêu gọi Bắc Kinh cần phải hạ các rào cản đối với các công ty. Ông nói: “Vận dụng luật một cách công bằng đối với mọi người là cần thiết để tạo tin tưởng trong thị trường”.

Đối thoại Mỹ-Trung diễn ra trong bối cảnh Philippines lo ngại sau khi Tòa Trọng tài thường trực La Haye công bố phán quyết, Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách áp đặt vùng nhận diện phòng không trên biển Đông hoặc xây dựng đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough (Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012).

Theo Giám đốc tổ chức Minh bạch Hàng hải châu Á (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington) Gregory Poling, Trung Quốc sẽ không liều leo thang căng thẳng nếu họ biết Mỹ sẽ nỗ lực ngăn chặn các hành vi của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.

Ông ghi nhận: “Chúng ta chứng kiến nhiều lần trong vài năm qua, Trung Quốc không liều lĩnh thực hiện hoạt động đe dọa sử dụng vũ lực… Có thể ngăn chặn họ. Chúng ta sẽ phải tiếp tục ngăn chặn họ thường xuyên. Đó là bài kiểm tra trong 10-15 năm tới cho đến khi Trung Quốc quyết định đấy không phải là cách để xác lập quan hệ quốc tế”.

Trong hai ngày 5 và 6-6, Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ, đã đến thăm nhóm tác chiến tàu sân bay John C. Stennis đang hoạt động ở biển Đông. Tàu sân bay John C. Stennis được triển khai đến biển Đông hồi tháng 3 sau khi Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đô đốc John Richardson là quan chức quốc phòng cấp cao thứ hai của Mỹ đến thăm tàu sân bay này sau Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đến hồi tháng 4 trong thời điểm căng thẳng leo thang ở biển Đông.

___________________________________

Ngay lúc này, đi đến đâu tôi cũng nghe người ta nói chuyện và hỏi tôi về biển Đông… Mọi người đều lo ngại về hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực này. Khi nói chuyện với họ, tôi biết mọi sự sẽ ổn vì chúng ta có nhóm tác chiến tàu sân bay John C. Stennis hoạt động ở biển Đông.

Đô đốc JOHN RICHARDSON phát biểu trên tàu sân bay John C. Stennis

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm