EU bắt đầu chiến dịch phá tàu

Một tháng sau vụ chìm tàu thảm khốc khiến 800 người tị nạn bỏ mạng vào đêm 18-4 trên vùng biển Libya trên đường sang châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định từ ngày 18-5 bắt đầu triển khai chiến dịch hải quân. Mục đích nhằm đập tan hoạt động của bọn đưa người tị nạn.

hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao và bộ trưởng Quốc phòng EU ở Brussels (Bỉ) ngày 18-5 đã quyết định như trên.

Theo AFP, trong chiến dịch hải quân khôn tiền khoáng hậu này, các nước EU sẽ triển khai tàu chiến và máy bay trinh sát đến vùng biển Libya vốn được dùng làm điểm tập kết đưa người sang châu Âu.

Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini bảo đảm không có chuyện mở chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Libya.

Người chuẩn bị xuống tàu đi tị nạn bị bắt ở Libya hôm 17-5. Ảnh: AFP

Tại cuộc họp khẩn cấp ngày 23-4, các nhà lãnh đạo các nước EU đã nhất trí:

- Mở chiến dịch quân sự nhằm bắt giữ và tiêu hủy tàu của bọn đưa người tị nạn đến từ Libya trước khi tàu được đưa vào sử dụng.

- Tăng cường phương tiện cho hai chiến dịch Triton và Poséidon (giám sát và cứu nạn trên Địa Trung Hải) đang áp dụng.

Chiến dịch hải quân chỉ thực sự bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 6 và còn phải được Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn.

Theo AFP, chiến dịch hải quân mang tên EU Navfor Med đặt bộ chỉ huy tại Rome (Ý) do đô đốc Enrico Credendino người Ý phụ trách.

Pháp, Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha đã cam kết cung cấp tàu chiến tham gia chiến dịch. Ba Lan và Slovenia cam kết điều động máy bay thám sát và máy bay trực thăng.

Mục tiêu của chiến dịch là tìm kiếm các tàu bọn đưa người có vũ trang định sử dụng, sau đó kéo tàu ra giữa biển rồi thả trôi. Tàu chiến và máy bay của các nước EU sẽ ngăn chặn bọn đưa người lấy lại tàu.

Tăng cường giám sát bờ biển, giám sát các đường dây đưa người và kéo tàu không mang cờ của nước nào trên vùng biển quốc tế cần phải căn cứ trên luật pháp quốc tế.

Do đó, EU đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết để hoạt động của EU phù hợp với luật pháp quốc tế.

Dự kiến cuối tuần này Hội đồng Bảo an LHQ sẽ thông qua nghị quyết đã nêu.

Các tổ chức phi chính phủ lo ngại một khi EU tiến hành chiến dịch phá tàu, bọn đưa người sẽ di chuyển sang các tuyến đường khác.

Nhằm đối phó với làn sóng người tị nạn, Ủy ban châu Âu đã đưa ra chương trình hành động toàn diện gồm bốn điểm chính: Đấu tranh chống bọn đưa người, củng cố các phương tiện giám sát và cứu nạn, phân chia số người xin tị nạn cho các nước EU và sửa đổi quy chế Dublin (yêu cầu nước có người tị nạn đặt chân đến phải giải quyết yêu cầu tị nạn).

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là phân chia quota người tị nạn. Anh, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech phản đối trong khi Ý, Đức lại nhất trí.

Tại Libya, ngày 17-5, cơ quan phụ trách chống di dân trái phép của Libya (trực thuộc chính quyền Libya) thông báo khoảng 400 người xuất cảnh trái phép đã bị bắt ngay trước khi họ xuống tàu ở TP Tajura để sang châu Âu. Đa số là dân Somalia và Ethiopia. Anh Adam Ibrahim Abdallah, người Somalia thuật lại: “Tôi đã trả 1.400 USD để đến Tripoli. Tôi ở trọ hai tháng và tiếp tục trả thêm 1.400 USD để đến Ý… Lý do tôi ra đi vì đất nước tôi có chiến tranh và không có chính phủ”.

__________________________________

1.770 km là chiều dài bờ biển Libya. Tình trạng vượt biên ở Libya ngày càng gia tăng sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ, đất nước rơi vào hỗn loạn. Libya chỉ cách đảo Lampedusa (Ý) hơn 300 km.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm