Giải pháp nào cho khủng hoảng Venezuela?

Ngày 19-4, đã có hai sinh viên và một cảnh sát thiệt mạng trong cuộc đại biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro diễn ra khắp Venezuela. Từ đầu tháng 4 đến nay đã có tám người chết vì biểu tình, hãng tin Reuters cho biết.

Kinh tế Venezuela phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu. Việc giá dầu rớt thảm năm 2014 và đến giờ vẫn chưa hồi phục khiến Venezuela lâm vào cảnh thiếu tiền nghiêm trọng. Venezuela đã ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế, thiếu thốn thực phẩm, hàng tiêu dùng, đói kém trầm trọng từ ba năm nay. Thực trạng kinh tế kéo theo bất ổn chính trị, rất nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra. Khủng hoảng chính trị khiến Venezuela dần trở thành một điểm nóng.

Cuộc đại biểu tình và các thương vong ngày 19-4 gợi nhớ đến các cuộc xung đột giữa những người phản đối và ủng hộ chính phủ năm 2002, dẫn tới một cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ cố Tổng thống Hugo Chavez. Nhiều ý kiến lo ngại sẽ lại có đảo chính lần hai, thậm chí lo ngại leo thang xung đột vũ lực tại Venezuela. Tuy nhiên, theo Reuters, một bộ phận lớn dân Venezuela tuy bất mãn với tình hình kinh tế hiện tại vẫn chọn tránh xa biểu tình, lo ngại bạo lực. Đa số người dân không tin rằng biểu tình có thể mang lại sự thay đổi thực chất cho đất nước và cuộc sống gia đình mình.

Người biểu tình xung đột với cảnh sát tại thủ đô Caracas (Venezuela) ngày 19-4. Ảnh: REUTERS

Giải pháp có thể giúp ông Maduro chấm dứt khủng hoảng chính trị, ngăn chặn hữu hiệu và bền vững nhất các nguy cơ trên là làm kinh tế, theo nhà nghiên cứu Ellen R. Wald (Mỹ). Trên tạp chí Forbes, bà Wald đã đề cập giải pháp làm kinh tế như một cứu cánh với ông Maduro. Điều này hoàn toàn hợp lý khi khủng hoảng chính trị này bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế. Ông Maduro phải tìm nguồn tiền trang trải cho dân Venezuela vốn phải gồng mình chịu đói kém, thiếu thốn cả ba năm nay.

Cách dễ nghĩ đến nhất là cho thuê hay nhượng quyền khai thác các mỏ dầu của mình cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận rủi ro làm ăn ở một Venezuela nhiều bất ổn không hề đơn giản, buộc ông Maduro phải hết sức kiên nhẫn và khéo léo cũng như có nhiều chính sách thích hợp. Nhưng kế hoạch này sẽ chưa giải quyết được liền nhu cầu tiền trước mắt.

Theo bà Wald, Venezuela nên chấp nhận vay nợ như Saudi Arabia đã làm vào năm 1951 để chi mạnh vào hiện đại hóa, hỗ trợ người dân, củng cố vị thế chính phủ… Saudi Arabia đã yêu cầu tập đoàn được nhượng quyền khai thác dầu là Aramco kê khai chi tiết các khoản sẽ được nhận trong tương lai làm cơ sở để vay các ngân hàng quốc tế. Bà Wald nhận định một khi các ngân hàng nhìn thấy được con đường thành công phía trước của ngành công nghiệp năng lượng Venezuela, họ sẽ đồng ý cho vay. Việc được các ngân hàng cho vay cũng sẽ khiến các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào cơ hội làm ăn với Venezuela.

Venezuela sở hữu những mỏ dầu có trữ lượng lớn nhất thế giới. Theo TS Wald, nếu nguồn tài nguyên kinh tế tự nhiên được khai thác hợp lý và mạnh dạn theo cách làm của các nước xuất khẩu dầu hàng đầu, ông Maduro hoàn toàn có thể cứu được con tàu chở mình cũng như người dân Venezuela đang chìm dần.

Biểu tình ở Venezuela tăng lên từ đầu tháng 4. Trong ngày đại biểu tình (19-4), số người biểu tình lên đến hàng trăm ngàn và diễn ra ở hơn 20 địa điểm cả nước, theo Reuters. Một nam sinh viên bị bắn chết tại đây. Một nữ sinh viên bị bắn chết ở San Cristobal (tỉnh bang Bolivar). Một cảnh sát bị bắn tỉa thiệt mạng ở tỉnh bang Miranda. Ngoài ra có hơn 400 người bị bắt.

Tổng thống Maduro lên án các cuộc biểu tình là nỗ lực của phe đối lập phá hoại ở Venezuela. Lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles tiếp tục kêu gọi biểu tình vào ngày 20-4 (giờ Venezuela).

_________________________

“Chúng tôi buộc phải biểu tình vì đất nước này đang chết vì đói” - Reuters dẫn lời một người biểu tình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm