Hai ông Trump-Putin có 'phản ứng hóa học tích cực'

Cuộc gặp đầu tiên và rất được chờ đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra bên lề hội nghị G20 tại TP Hamburg (Đức) ngày 7-7.

Hai tổng thống Trump và Putin trao đổi thông qua hai thông dịch viên. Tham dự cuộc gặp còn có hai ngoại trưởng hai nước. Cả sáu người trao đổi trong vòng sáu phút, kế đó các nhà báo được phép vào phòng ghi hình và nghe tuyên bố từ hai tổng thống.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump gặp nhau lần đầu tại Hamburg (Đức) ngày 7-7. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump gặp nhau lần đầu tại Hamburg (Đức) ngày 7-7. Ảnh: REUTERS

“Tổng thống Putin và tôi đang bàn về nhiều việc và tôi nghĩ nó đang tiến triển tốt. Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện rất, rất tốt... Chúng tôi mong đợi sẽ có nhiều điều tích cực đến với Nga, với Mỹ và với tất cả những ai liên quan. Và thật là một vinh dự khi gặp ông” - Tổng thống Trump nói với nhà báo khi ông Putin đang ngồi bên cạnh.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump trong cuộc gặp lần đầu tại Hamburg (Đức) ngày 7-7. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump trong cuộc gặp lần đầu tại Hamburg (Đức) ngày 7-7. Ảnh: REUTERS

Về phần mình, thông qua phiên dịch viên, Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi đã điện đàm vài lần. Nói chuyện qua điện thoại không bao giờ đủ. Tôi vui mừng có thể gặp trực tiếp ông, ngài tổng thống”. Ông Putin nói hy vọng cuộc gặp sẽ có kết quả tích cực.

Sau đó các nhà báo rời đi và cuộc gặp tiếp tục. Ông Trump lắng nghe chăm chú khi ông Putin nói.

Đề cập ngay chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Nói với báo chí tại G20, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Tổng thống Trump mở đầu cuộc gặp việc đề cập ngay “mối quan ngại của người Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016”. Hai tổng thống đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này, ông Tillerson cho biết.

Nói với ông Trump, Tổng thống Putin bác bỏ mọi khả năng can thiệp tiến trình dân chủ của Mỹ và yêu cầu Mỹ cung cấp bằng chứng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Tổng thống Trump ghi nhận lời bác bỏ của Tổng thống Putin rằng các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ của tình báo Mỹ là sai trái.

Cùng tham dự cuộc gặp có Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: REUTERS

Cùng tham dự cuộc gặp có Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: REUTERS

Theo Ngoại trưởng Tillerson, hai lãnh đạo đã chọn bỏ qua bất đồng này, cùng tiến về phía trước, cùng thống nhất sẽ không để quá khứ bất đồng kìm hãm quan hệ. Ông Tillerson cho biết cả hai thống nhất cam kết “không can thiệp vào chuyện nội bộ của Mỹ cũng như vào tiến trình dân chủ của Mỹ, hay là của các nước khác”.

Hai tổng thống cũng dành một lượng lớn thời gian bàn về Syria. Và sau cuộc gặp này đã có một thỏa thuận giữa Mỹ, Nga và Jordan về ngừng bắn tại Tây Nam Syria được tuyên bố.

Hai ông Trump-Putin có "phản ứng hóa học tích cực"

Theo ông Tillerson, hai tổng thống Trump và Putin “có phản ứng hóa học tích cực” với nhau trong cuộc gặp. Cuộc gặp diễn ra trong hai giờ 15 phút, kéo dài hơn dự kiến chỉ khoảng 30-40 phút và Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đã một lần vào phòng gặp để giục hai ông kết thúc cuộc gặp.

Người chủ động bắt tay là ông Trump (phải). Ảnh: REUTERS

Người chủ động bắt tay là ông Trump (phải). Ảnh: REUTERS

Hai ông Trump và Putin sau đó cùng tham gia một buổi hòa nhạc với các lãnh đạo G20. Tại bữa tiệc tối, ông Trump ngồi cạnh ông Putin.

Trước khi hai ông Trump và Putin gặp nhau, nhiều người lo ngại ông Trump vốn không có kinh nghiệm chính trị sẽ không ứng xử và đối phó tốt với ông Putin - một nhân vật chính trị lão luyện từng gặp qua nhiều đời tổng thống Mỹ trước cũng như hàng chục lãnh đạo thế giới khác.

Theo giới quan sát thì ông Trump chịu áp lực nặng hơn ông Putin trong cuộc gặp này với cáo buộc Nga thông đồng với đội tranh cử của ông can thiệp bầu cử Mỹ về các vấn đề Ukraine, Syria.

Hai ông Putin (trái) và Trump được nhận định có "phản ứng hóa học tích cực" trong cuộc gặp đầu tiên. Ảnh: REUTERS

Hai ông Putin (trái) và Trump được nhận định có "phản ứng hóa học tích cực" trong cuộc gặp đầu tiên. Ảnh: REUTERS

Thái độ hòa hoãn của ông Trump với Nga không được đảng Dân chủ hài lòng. Ông Andrew Weiss, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia, cho rằng ông Trump đã gửi một thông điệp sai lầm đến Nga, thông qua việc không gây áp lực mạnh hơn cho ông Putin về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và cả qua ngôn ngữ cơ thể hào hứng của mình trong cuộc gặp.

“Không khí cuộc gặp khá thân thiết. Rõ ràng có thể thấy trong cuộc gặp ông Trump đang vận động để bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga” - theo ông Weiss, hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment (Mỹ).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm