Hàng không châu Âu “sốt vó” trước tin sắp bị Nga cấm cửa

Tính tới giữa phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá trị vốn hóa của các hãng hàng không lớn của Mỹ và châu Âu đã lao dốc 4,5 tỷ USD, hãng tin ITAR-Tass cho biết.

Các hãng hàng không châu Âu sẽ thiệt hại nặng nếu không được bay qua Siberia
Các hãng hàng không châu Âu sẽ thiệt hại nặng nếu không được bay qua Siberia
Sự sụt giảm đột ngột này diễn ra sau khi một có thông tin trong ngày 5/8 rằng, Nga có thể cấm hoặc hạn chế các chuyến bay của châu Âu qua không phận Seberia sang châu Á, khiến chi phí nhiên liệu cũng như thời gian bay có thể tăng lên đáng kể.

 
Đây được khẳng định là một trong những phương án nhằm đáp lại các lệnh cấm vận của châu Âu hồi tuần trước, vốn đã khiến hãng hàng không giá rẻ của Nga là Dobrolyot, một công ty con của hãng Aeroflot, phải đình bay.

Cổ phiếu của hãng hàng không Phần Lan Finnair tính tới giữa phiên ngày 6/8 đã sụt 2,2%, nâng tổng giá trị vốn hóa bị bốc hơi lên 30 triệu euro trong vòng 2 ngày. Tương tự, hãng Lufthansa của Đức mất 570 triệu euro, còn giá trị vốn hóa của hãng hàng không giá rẻ của Ai-len là Ryanair sụt mất 184 triệu euro.

Cổ phiếu của Tập đoàn hàng hàng không quốc tế, chủ của hãng hàng không Anh British Airways và Iberia đã giảm 6,5%, tương đương hơn 745 triệu USD giá trị vốn hóa sau 2 phiên.

Các hãng hàng không Mỹ không tránh khỏi xu hướng chung, khi cổ phiếu của Delta giảm 2,8% trong phiên 5/8, tương đương 1,1 tỷ USD giá trị vốn hóa “bốc hơi”. American Airlines và United Airlines lần lượt mất 2,5% và 3,43% trong phiên này.

Hãng hàng không Aeroflot của Nga cũng chịu tổn thất trước tin đồn về khả năng lệnh cấm được ban bố. Nếu điều này thành hiện thực, mỗi năm hãng này sẽ bị giảm thu nhập khoảng 300 triệu USD tiền phí thu được từ các hãng hàng không quốc tế bay qua qua Siberia.

Sau khi giảm 5,9% trong ngày thứ 3, cổ phiếu của Aeroflot tiếp tục mất thêm 3,6% tính tới 17 giờ giờ địa phương ngày 6/8, tương đương 140 triệu USD giá trị vốn hóa bị thổi bay.

Thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ USD

Tổng thống Nga Putin trong ngày thứ Ba đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng thảo luận các biện pháp trả đũa EU. Hiện Bộ giao thông cũng như cơ quan hàng không dân dụng liên bang Nga chưa có bình luận gì về khả năng “cấm cửa” các hãng hàng không châu Âu qua Siberia.

Dù vậy, đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, hầu hết các hãng hàng không phương Tây đã bị cấm bay qua không phận Nga để sang châu Á. Thay vào đó, họ phải đi vòng xuống khu vực vùng Vịnh, hoặc sử dụng sân bay Anchorage của Mỹ tại Alaska trên hành trình đi vòng lên Bắc Cực.

Hiện tại, rất nhiều hãng hàng không châu Âu đang bay qua Siberia trên các tuyến bay ngày càng đông khách tới các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, sau khi trả một khoản phí cho phía Nga.

Theo một nguồn tin giấu tên được báo giới Nga trích dẫn, nếu nước này cấm hoàn toàn việc các hãng hàng không châu Âu bay qua Siberia, mức tổn thất mà các hãng hàng không, trong đó có Lufthansa, British Airways và Air France, phải chịu có thể lên tới 1 tỷ euro chỉ trong vòng 3 tháng. Còn một lệnh hạn chế sử dụng không phận cũng dẫn tới thời gian bay dài hơn, chí phí nhiên liệu cao hơn, chưa kể các chi phí phát sinh khác.

Hãng Lufthansa của Đức cho biết họ hiện có 180 chuyến bay qua không phận Siberia mỗi tuần.

EU đã tăng cường các lệnh cấm vận đối với Nga, vốn được áp đặt kể khi nước này sáp nhập Crimea hồi tháng 3, sau vụ một máy bay của Malaysia Airlines bị bắn rơi tại vùng lãnh thổ phía Đông Ukraine do phe ly khai thân Nga kiểm soát.

Hãng hàng không giá rẻ Dobrolyot hồi tuần trước đã phải hủy toàn bộ các chuyến bay, sau khi hợp đồng thuê máy bay của hãng này bị hủy, do châu Âu tăng cường cấm vận đối với hãng này vì có chuyến bay tới Crimea.

Các lệnh cấm vận của EU và Mỹ cũng nhắm tới các cá nhân thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tỷ phú Nga Gennady Timchenko cho biết hãng máy bay Mỹ Gulfstream đã ngừng vận hành chiếc chuyên cơ riêng mà ông mua của hãng này.

“Gulfstream đã ngừng việc thực thi các nghĩa vụ theo hợp đồng, khiến máy bay của tôi không thể cất cánh, dù tôi đã mua nó từ họ với giá rất đắt”, nhà sáng lập tập đoàn Volga khẳng định với hãng tin ITAR-Tass.

Gulfstream đã bị cấm mọi liên lạc với Timchenko, và cũng không được phép cung cấp bất kỳ thiết bị thay thế nào, vị tỷ phú Nga tiết lộ. Các phi công cũng bị cấm sử dụng hệ thống dẫn đường của máy bay.

Theo Thanh Tùng
(Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm