Hé lộ nghi can đánh bom ở Thái Lan

Ngày 20-8, Thái Lan đã đề nghị tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) giúp đỡ truy tìm nghi can trong vụ đánh bom cạnh đền thờ Ấn giáo Erawan ở Bangkok tối 17-8. Cảnh sát Thái Lan cho rằng nghi can đang bị truy nã là người nước ngoài, da trắng, là người Ả Rập hoặc lai Ả Rập.

Báo Bangkok Post (Thái Lan) đưa tin nhân chứng là một người chạy xe ôm chở nghi can cho biết nghi can nói chuyện điện thoại không phải bằng tiếng Anh hay tiếng Thái.

Nghi can đưa địa chỉ viết bằng tiếng Anh trên mẩu giấy rồi xuống xe ở công viên Lumpini cách đền thờ Erawan hơn 1,6 km.

Thái Lan cũng đang truy tìm hai nghi can đồng bọn. Theo hình ảnh máy ghi hình ghi lại, hai nghi can này đứng cạnh nam thanh niên đã để ba lô lại cạnh đền thờ Erawan.

Cảnh sát nhận xét vụ đánh bom không phù hợp với phương thức hành động của phe ly khai Hồi giáo ở miền Nam hay phe áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin.

Cảnh sát đang chú ý đến giả thiết có thể các phần tử cực đoan Hồi giáo người dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Trung Quốc) là thủ phạm.

Trong khi đó, báo South China Morning Post (Hong Kong) ghi nhận ngành du lịch Thái Lan đang đứng trước thách thức lớn.

Đông đảo du khách trở lại viếng đền Erawan. Ảnh: AP

Vài giờ trước vụ đánh bom, Thái Lan đã công bố báo cáo tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo cho thấy kinh tế Thái Lan vẫn khó khăn trong quý II-2015 do nhu cầu trong nước giảm sút và xuất khẩu tuột dốc.

Dù vậy, du lịch lại là một trong số ít lĩnh vực ăn nên làm ra, mang lại gần 8% GDP. Nếu tính các khoản thu nhập gián tiếp thì con số này phải lên đến gần 20% GDP.

Đây là tín hiệu phục hồi sau giai đoạn khó khăn năm 2014 (biểu tình liên miên cho đến khi tướng Prayuth Chan-ocha đảo chính quân sự).

Công ty tư vấn đa quốc gia BMI Research nhận định: “Vụ đánh bom ở Bangkok có thể làm phương hại quá trình hồi phục ngành du lịch và đưa Thái Lan chìm sâu trong khó khăn kinh tế”.

Ngân hàng ANZ (New Zealand) cảnh báo vụ đánh bom gây thiệt hại cho du lịch Thái Lan còn nặng nề hơn các thời kỳ biến động chính trị trước đó.

Dù vậy, trả lời đài truyền hình Francetv, Giám đốc Công ty tư vấn du lịch Protourisme (Pháp) Didier Arino lại nhận định lạc quan hơn.

Ông nói không vì một vụ đánh bom mà cho rằng Thái Lan mất an toàn. Tuy nhiên, nếu xảy ra thêm nhiều vụ đánh bom nữa, du khách sẽ mất lòng tin và Thái Lan sẽ trở nên như Tunisia.

Tại Tunisia, sau vụ Nhà nước Hồi giáo tấn công Bảo tàng quốc gia Bardo ở Tunis hồi tháng 3, du khách vẫn tiếp tục đến Tunisia. Nhưng sau khi xảy ra vụ khủng bố xả súng bắn du khách ở bãi tắm Sousse hồi tháng 6 thì du khách đã lục tục bỏ đi.

Báo The Nation (Thái Lan) dẫn ý kiến của nhiều doanh nghiệp Thái Lan ghi nhận vụ đánh bom ở Bangkok chỉ ảnh hưởng trong thời gian ngắn hạn.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Prasarn Trairatvorakul trấn an vụ đánh bom ít có khả năng ảnh hưởng xấu đến kinh tế và khu vực tài chính. Ông cho rằng vụ đánh bom có tác động nhất định đến ngành công nghiệp du lịch nhưng ảnh hưởng không lớn.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Kalin Sarasin cho rằng tình trạng du khách mất niềm tin chỉ mang tính chất tạm thời. Ông đề nghị người Thái nên tương trợ lẫn nhau vào lúc này để tạo hình ảnh đẹp.

Bộ trưởng Thương mại Chatchai Sarikulya đã giao cho các cơ quan đại diện thương mại Thái Lan ở nước ngoài hợp tác với các sứ quán Thái Lan giải thích tình hình cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ông cho biết các hội chợ thương mại quốc tế trong thời gian tới vẫn diễn ra theo kế hoạch.

__________________________________

12,4 triệu du khách đến Thái Lan trong năm tháng đầu năm 2015, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, khoảng 4,6 triệu du khách Trung Quốc đã đến Thái Lan với mức tiêu xài bình quân 5.500 baht (3,5 triệu đồng VN)/ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm