Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN: Đẩy nhanh quá trình lập COC

Ngày 19-7, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44) đã chính thức khai mạc tại Bali (Indonesia). Phát biểu khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono nhận định ASEAN cần phải củng cố tư thế hơn nữa, phải là người cầm lái hướng đến hòa bình, phát triển và hợp tác ở Đông Nam Á và xa hơn nữa.

Vấn đề tranh chấp biển Đông là nội dung chính trong bài phát biểu của Tổng thống Yudhoyono. Ông nhận xét ASEAN và Trung Quốc chậm chạp không cần thiết khi mất đến 10 năm mới thông qua được Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) rồi lại loay hoay chín năm sau đó để bàn hướng dẫn thực thi DOC mà vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Ông thúc giục ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng thống nhất hướng dẫn thực thi DOC và chuyển sang giai đoạn kế tiếp là bàn thảo chi tiết Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), đồng thời đẩy nhanh tiến trình đàm phán thông qua COC.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN: Đẩy nhanh quá trình lập COC ảnh 1

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại phiên họp toàn thể của hội nghị AMM 44. Ảnh: REUTERS

Sau bài phát biểu của tổng thống nước chủ nhà, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã cùng bàn bạc vấn đề biển Đông với các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN bày tỏ lo ngại nghiêm trọng trước những biến cố gần đây ở biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario kêu gọi ASEAN đoàn kết và chất vấn về định nghĩa và lý do mà Trung Quốc vẽ ra một bản đồ xác lập chủ quyền hầu như trên toàn bộ biển Đông.

Ông đưa ra đề xuất cụ thể của Philippines về việc xác định khu vực nào của biển Đông là khu vực tranh chấp và không tranh chấp đồng thời đề nghị thiết lập khu vực không tranh chấp thành khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác. Các bộ trưởng ngoại giao đã đồng ý sẽ gửi chuyên gia pháp lý sang Philippines vào tháng 9 tới để nghiên cứu đề xuất này.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho rằng trong vấn đề giải quyết tranh chấp biển Đông, nếu các bên có thiện chí thì sẽ thông qua được hướng dẫn thực thi DOC. Về việc Philippines muốn giải quyết tranh chấp ở các tòa án quốc tế, ông nói ASEAN không can thiệp.

Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, các bộ trưởng kêu gọi các bên liên quan phải kiềm chế ở biển Đông.

Phát biểu sau hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario nói Philippines đã lên kế hoạch nhờ LHQ phân xử tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông.

Ông nói Trung Quốc không chịu để Tòa án Quốc tế về luật biển đứng ra phân xử nên Philippines phải tìm các cơ chế giải quyết tranh chấp khác như Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Công ước này cho phép một bên trong tranh chấp đơn phương tìm kiếm phán xử của một tòa án đặc biệt lẫn hòa giải bắt buộc.

Báo Financial Times (Anh) ngày 19-7 đã trích dẫn một bức thư của Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, và Thượng nghị sĩ John McCain gửi cho Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc. Thư cảnh báo rằng những vụ va chạm gần đây của Trung Quốc với các nước láng giềng ở biển Đông có thể làm tổn hại đến quyền lợi quốc gia của Mỹ trong khu vực. Bức thư viết: “Chúng tôi lo ngại hàng loạt biến cố trên biển trong những tháng vừa qua đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Nếu các biện pháp thích hợp không được thực hiện để làm dịu tình hình, các biến cố trong tương lai có thể leo thang, đe dọa đến các quyền lợi quốc gia trọng yếu của Mỹ”.

LÊ LINH - ĐĂNG KHOA (Theo ASEAN.org, VOA, AFP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm