Hội nghị bốn bên về hòa bình Afghanistan

Ngày 11-1, hội nghị bốn bên về hòa bình ở Afghanistan đã được tổ chức tại thủ đô Islamabad của Pakistan. Bốn bên tham dự hội nghị gồm Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan.

Hội nghị được tổ chức nhằm thiết lập lộ trình cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Taliban để vãn hồi hòa bình tại Afghanistan.

Pakistan là nước có quan hệ lịch sử lâu đời với phe Taliban tại Afghanistan. Hiện nay Pakistan là người đối thoại duy nhất có thể đưa Taliban trở lại bàn đàm phán hòa bình.

Mỹ là nước có 9.800 quân trong tổng số 13.000 quân tham gia lực lượng NATO đang đồn trú tại Afghanistan. Mỹ mang đến tiếng nói và sự bảo lãnh của cộng đồng quốc tế đối với hòa bình tại Afghanistan.

Trung Quốc giáp biên giới với Afghanistan sẽ giữ vai trò giám sát bối cảnh tương lai của khu vực.

Afghanistan không thể không trông cậy vào hỗ trợ của nước ngoài trong quá trình duy trì đoàn kết và ổn định. Do đó, Afghanistan cần phải phối hợp với ba nước đối thoại nêu trên để củng cố tính chất đáng tin cậy của mình.

Đài RFI (Pháp) ghi nhận trên bàn cờ phức tạp hiện nay ở Afghanistan, mỗi bên đều có lợi ích riêng.

Afghanistan và Pakistan đang bị Taliban đe dọa trực tiếp nên rất cần tình hình ổn định trong khu vực.


Hội nghị bốn bên về hòa bình ở Afghanistan tại Islamabad (Pakistan) ngày 11-1. Ảnh: SPUTNIK

Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp Jean-Luc Racine nhận định Trung Quốc có lợi ích riêng bởi muốn phối hợp đầu tư tài chính với Pakistan nhằm thiết lập hành lang kinh tế và thương mại qua thung lũng Indus để phát triển toàn vùng phía tây Trung Quốc ra Ấn Độ Dương và vùng vịnh Ba Tư.

Một trong những nỗi lo ngại của các bên tham gia hội nghị là viễn ảnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng cắm rễ sâu trong các khu vực bộ tộc ở Afghanistan.

Đến giờ thì chúng chưa thể phát triển mạnh vì nhiều cánh Taliban dứt khoát không tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng và đã tổ chức tấn công chúng rất quyết liệt.

Hội nghị bốn bên sẽ là cơ hội để thảo luận chiến lược ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo tự xưng bành trướng trong khu vực.

Một trong những giả thiết được đặt ra là chấp thuận để Taliban quản lý các dải đất ở biên giới Pakistan nhằm tạo rào chắn ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Báo New York Times dẫn nguồn từ các nhà phân tích cho rằng trong bốn nước ngồi vào bàn hội nghị, phần lớn hy vọng đặt cược vào Pakistan.

Từ lâu Pakistan đã bị nghi ngờ hậu thuẫn cho một số phe phái cực đoan nhất trong hàng ngũ Taliban như nhóm Haqqani vốn đã bị Mỹ đưa vào danh sách khủng bố.

Trong khi đó, Pakistan lại khẳng định ảnh hưởng của Pakistan đối với Taliban không quá cao như dư luận kỳ vọng.

Trao đổi với hãng tin AP, ông Sartaj Aziz, cố vấn ngoại giao của thủ tướng Pakistan, nói: “Ngay cả trong thời điểm tốt đẹp thì họ (Taliban) cũng không nghe lời chúng tôi”.

Ông nhắc lại vụ Taliban phá hủy các tượng Phật quý vào mùa hè năm 2001 ở Bamiyan (Afghanistan) cho dù có nhiều ý kiến phản đối, trong đó có Pakistan.

Đêm 9-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bày tỏ hy vọng Pakistan và Ấn Độ tiếp tục đàm phán hòa bình. Tháng trước, Pakistan và Ấn Độ đã nhất trí nối lại đàm phán toàn diện sau gần bảy năm gián đoạn. Tuy nhiên, sau đó nhóm khủng bố Hồi giáo Jaish-i-Muhammed ở Pakistan đã tấn công căn cứ không quân Pathankot tại Ấn Độ. Sau đó có tin đồn hội đàm hay không còn tùy thuộc Pakistan chia sẻ thông tin về bọn tấn công. Cố vấn Sartaj Aziz khẳng định lịch trình hội đàm của hai ngoại trưởng vào ngày 15-1 vẫn được duy trì.

__________________________________

20% đến 35% lãnh thổ Afghanistan đang do các tay súng Taliban kiểm soát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm