Kinh tế Brunei bên bờ khủng hoảng vì giá dầu rớt thảm

Brunei có nguy cơ trở thành quốc gia giàu dầu mỏ đầu tiên trở thành nạn nhân của các hệ quả từ việc quá phụ thuộc vào công nghiệp dầu. Quốc gia láng giềng có dân số hơn 420.000 người đang đứng trên bờ vực khủng hoảng kinh tế. So với thâm hụt ngân sách của Hy Lap chiếm 15,7% GDP trong giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính 2008-2015 thì chỉ trong năm tài chính 2015-2016, thâm hụt ngân sách của Brunei đã đạt đến 16% GDP. Nếu tình trạng này tiếp diễn, Brunei có khả năng sẽ không còn là một trong những quốc gia giàu nhất châu Á. 
Theo IMF, Brunei là quốc gia giàu có thứ tư trên thế giới tính theo GDP bình quân đầu người. Mặc dù chỉ có diện tích gần 5.800 km2, nước này nắm giữ trữ lượng dầu vô cùng lớn, đủ để đáp ứng cho cuộc sống xa hoa của người dân và vương triều Hồi giáo tại nước này. Chính quyền Brunei không đánh thuế thu nhập hay thuế doanh thu đối với dân địa phương, đồng thời còn phổ cập giáo dục miễn phí lên đến cấp đại học và trợ cấp nhà cho dân chúng.
Tuy nhiên, tình hình giờ đã đổi khác. Với giá dầu thế giới giảm đến 40% kể từ đầu tháng 1-2015 đến nay, GDP nước này trong ba năm nay đã giảm liên tiếp do các mặt hàng xăng dầu chiếm hơn 95% sản lượng xuất khẩu của Brunei, kéo theo đó là nền tài chính của quốc gia này cũng lâm vào khủng hoảng.

Thu nhập từ xăng dầu chiếm đến 90% doanh thu của chính phủ. Do đó thu nhập của chính phủ đã giảm khoảng 70% so với năm tài chính 2012-2013. Mặc dù đã cắt giảm 4% ngân sách năm 2015-2016 so với năm ngoái, dự kiến chính phủ sẽ còn phải mạnh tay cắt giảm hơn nữa.

 Dầu mỏ đã mang lại cuộc sống xa hoa cho người dân và chính quyền Hồi giáo Brunei.

Các phúc lợi xã hội hào phóng tại Brunei nhiều khả năng sẽ không thể giữ được trong tình trạng thâm hụt như hiện nay. Tuy vậy các cắt giảm này có thể làm dân chúng phẫn nộ do đã quen sống trong xa hoa nhiều thập niên nay. Quốc vương Brunei, vốn có lượng tài sản ước tính trị giá 27 tỉ USD, cũng sẽ lâm vào thế khó khăn khi phải giải thích yêu cầu thắt lưng buộc bụng trước dân chúng. Tình hình mất ổn định tiếp theo đó sẽ còn tiếp tục cản trở khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nước này.

Mặc dù đã công bố lộ trình phát triển - Vision Brunei 2035 - nhằm xây dựng cân bằng lại các bộ phận khác của nền kinh tế song đến nay các ngành kinh tế ngoài dầu mỏ vẫn chưa được tập trung phát triển, còn nước này vẫn tiếp tục khai thác thêm nhiều dầu hơn nữa.

Quốc vương đương nhiệm Hassanal Bolkiah đã vạch ra nhiều kế hoạch lớn về phát triển hạ tầng trong bài phát biểu đón năm mới, tuy vậy các nỗ lực thu hút đầu tư này sẽ trở thành vô vọng nếu các công ty nước ngoài vẫn gặp nhiều trở ngại khi hoạt động tại nước này. Theo Ngân hàng Thế giới, Brunei xếp thứ 84 về môi trường kinh doanh (Việt Nam xếp thứ 90) trong giai đoạn 2011-2015. Khoảng 70%-80% công dân nước này làm việc trong chính quyền hoặc các doanh nghiệp công, do vậy khó mong chờ vực dậy được kinh tế từ nguồn lực trong nước.

Quốc vương đương nhiệm Hassanal Bolkiah đã vạch ra nhiều kế hoạch lớn về phát triển hạ tầng.

Trong khu vực, nền tài chính Brunei còn chịu áp lực cạnh tranh từ Malaysia, vốn cũng là một điểm thu hút tài chính của đạo Hồi và Indonesia đang nỗ lực tự biến mình thành một trung tâm tài chính mới. Trong lĩnh vực du lịch, luật Sharia được ban hành mới đây đang gây ra nhiều khó khăn với quy định cấm cả rượu và Thiên Chúa giáo.

Không chỉ vậy, với tỉ giá một đổi một với đồng tiền Singapore như hiện nay, Brunei đã trở thành một trong những nơi sinh sống và làm việc đắt đỏ nhất trong khu vực ngày cả vào thời điểm kinh tế trì trệ như lúc này. Việc duy trì một tỉ giá hối đoái tốn kém như vậy sẽ chỉ càng làm trầm trọng thêm những khó khăn hiện nay của đất nước. 
Một vấn đề đáng quan tâm khác là khả năng thu hút lao động trình độ cao. Những công dân có kỹ năng tốt của Brunei đang có xu hướng chuyển dịch ra các khu vực tránh bị chính quyền Hồi giáo can thiệp. Nếu Brunei không có biện pháp nào nhằm vượt qua được các láng giềng Malaysia và Thái Lan cũng như trấn an được người dân của mình, tình hình tồi tệ sẽ còn tiếp diễn. Hiệp định TPP mới được ký kết có thể là một cứu cánh nhưng với nền kinh tế nhỏ nhất trong số 12 thành viên, khả năng TPP làm lợi cho kinh tế Brunei là rất thấp.
Theo Báo cáo năng lượng thế giới của BP, dự trữ dầu của Brunei sẽ cạn trong vòng 22 năm tới. Brunei đang cạn dần thời gian để đạt được mục tiêu trở thành “nền kinh tế ổn định, năng động” vào năm 2035. Nếu không nhanh chóng chuyển mình, nền kinh tế dầu mỏ của Brunei sẽ sớm để lại nhiều hậu quả nhãn tiền.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm