Lở đất Thâm Quyến do rác xây dựng

Ngày 21-12, bộ chỉ huy cứu hộ TP Thâm Quyến đã tổ chức họp báo lần ba về vụ lở đất xảy ra lúc 11 giờ 40 hôm 20-12 ở khu Phượng Hoàng thuộc quận mới Quang Minh. Đây là vụ lở đất chứ không phải lở núi như thông tin ban đầu.

Tại buổi họp báo, Phó thị trưởng TP Thâm Quyến Lưu Khánh Sinh thông báo tính đến 6 giờ ngày 21-12 đã ghi nhận 91 người mất tích, 33 tòa nhà của ba khu công nghiệp Hằng Thái Dụ, Liễu Khê và Đức Cát Thành bị vùi lấp hoặc bị thiệt hại.

Bộ chỉ huy cứu hộ đã lập hai điểm xác minh người mất tích, thẩm tra đối chiếu nhân viên làm việc trong khu vực, hỏi han chủ nhà cho thuê, tiến hành đăng ký đối với người mất tích.

Trên cơ sở này, bộ chỉ huy cứu hộ triệu tập người phụ trách các xí nghiệp và khu phố tiến hành kiểm tra chéo để xác định số người mất tích và số nhà cửa bị thiệt hại.


Hiện trường vụ bãi rác xây dựng bị lở. Ảnh: AP

Hơn 200 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như địa chất, kết cấu, khí đốt được điều động để phân tích hiện trường, phán đoán khả năng xảy ra thảm họa và lở đất lần nữa, triển khai cứu hộ mà không gây nguy hiểm đến lực lượng cứu hộ.

Chủ nhiệm Văn phòng Quản lý tình trạng khẩn cấp TP Thâm Quyến Dương Phong cho biết 3 giờ sáng 21-12, bộ chỉ huy cứu hộ đã quyết định điều động 78 máy xúc đào bới từ nhiều hướng, đồng thời tổ chức 1.200 quân gồm lực lượng cứu hỏa, cảnh sát vũ trang phối hợp cứu hộ.

Tân Hoa xã đưa tin độ dày của bùn đất và rác thải bị lở lên đến hơn 10 m.

Nhiều ngày tại Thâm Quyến không xảy ra mưa to trên diện rộng mà chỉ có mưa nhỏ vào sáng 20-12, vậy tại sao bãi chôn lấp đất lại bị sập làm nhiều tòa nhà sụp đổ trên phạm vi rộng?

Bộ Đất đai và Tài nguyên thông báo theo điều tra bước đầu, nguyên nhân xảy ra lở đất là do bãi rác xây dựng đổ ụp xuống.

Bộ Đất đai và Tài nguyên cho biết ngày 21-12, tổ chuyên gia ứng phó tai nạn địa chất của tỉnh Quảng Đông đã triển khai điều tra tại hiện trường.

Tổ ghi nhận do lượng rác xây dựng tích tụ lớn, bãi rác lại quá dốc dẫn đến mất thăng bằng gây sạt lở kéo theo nhiều tòa nhà đổ sụp.

Trước đây, tại địa điểm gò đất nhân tạo bị sụp vốn là thung lũng. Đến năm 2014, nơi đây biến thành bãi chôn lấp đất.

Người dân ở thôn Hồng Ao phản ánh rác thải xây dựng tích tụ trên núi do tình hình đào đất kéo dài gần hai năm nay. Bãi đất hình thành cao đến 100 m, sau đó dồn ứ tràn xuống các khu công nghiệp lân cận.

Báo Thanh Niên Bắc Kinh đưa tin ông Khương, chủ tiệm sửa máy tính ở thôn Hồng Ao, cho biết bùn đất gây nên sạt lở là rác thải xây dựng do thi công đào đắp nền kéo dài rồi mang lên đổ trên núi thành bãi cao, sau đó có mưa là xảy ra sạt lở lớn.

Một bảo vệ của Công ty dây cáp điện Vũ Tân gần đó nói: “Xe đổ đất thường qua lại, gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn rất lớn. Công ty chúng tôi đã khiếu nại mấy lần”.

Bộ Đất đai và Tài nguyên đã nâng mức độ ứng phó tai họa địa chất lên cấp 3.

Cư dân mạng Trung Quốc đã cung cấp ảnh vệ tinh cho thấy năm 2005, địa điểm xảy ra lở đất là thung lũng do mỏ đá khai thác tạo thành. Cách đây hai năm, mỏ đá bị đình chỉ khai thác, thung lũng trần trụi bắt đầu xanh trở lại và tích tụ rất nhiều nước. Đến năm 2014, thung lũng bỏ hoang trở thành nơi chôn rác xây dựng. Ngõ ra của thung lũng đối diện với các khu công nghiệp.

____________________________________

91 người mất tích trong tai nạn lở đất ở quận mới Quang Minh gồm 59 nam và 32 nữ. Diện tích bị ảnh hưởng lên tới 380.000 m2. 33 tòa nhà bị chôn vùi hoặc hư hỏng liên quan đến 15 xí nghiệp, gồm 14 xưởng, hai cao ốc văn phòng, một nhà ăn, ba ký túc xá và 13 kiến trúc thấp tầng khác.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm