Lo ngại IS mở rộng chiến trường Đông Nam Á

Chiến sự ở TP Marawi (miền Nam Philippines) sau hơn một tháng trời đã ghi nhận được sự thu hẹp đáng kể diện tích kiểm soát của nhóm khủng bố Maute. Chính phủ Manila hy vọng trong tháng này có thể kết thúc tình hình giao tranh tại TP được xem như trái tim Hồi giáo của đảo Mindanao. Thế nhưng trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình CNN, nhân vật từng là “cánh tay mặt” của trùm khủng bố Philippines Isnilon Hapilon cảnh báo: Chiến tranh sẽ còn lan rộng.

Marawi: Chỉ là điểm khởi đầu

Gia nhập nhóm khủng bố khét tiếng nhất Philippines Abu Sayyaf từ những năm 1980 khi nhóm còn chưa có tiếng tăm, người đàn ông mang bí danh “Abu Jihad” là bạn chiến đấu chí cốt, nhiều lần vào sinh ra tử cùng Isnilon Hapilon - người đang bị truy nã gắt gao nhất đất nước.

Abu Jihad cho rằng những chiến dịch cực đoan thành công gần đây sẽ thúc đẩy Abu Sayyaf mở thêm các trận chiến mới. Trả lời CNN, Abu Jihad cho rằng sự tàn bạo của Hapilon sẽ không dừng lại ở Marawi. Ông dự đoán cuộc vây chiếm ở Marawi chỉ là điểm khởi đầu cho một cuộc thánh chiến quy mô toàn khu vực. “Họ đáng lẽ đã thành công trong cuộc vây chiếm Marawi. Nhưng dù cho bị đánh bại ở nơi đó, nhóm này hiểu rằng đây là một phép thử cần thiết” - Abu Jihad nói với CNN.

Đồng tình với nhân vật Abu Jihad, nhà phân tích Phill Hynes thuộc Viện ISS Risk (Hong Kong) cho biết chính phủ nhiều nước Đông Nam Á có thể vẫn đang ngủ quên trên chiến thắng của liên minh quốc tế trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông. Men say chiến thắng đã khiến các nước trong khu vực đánh giá thấp mối nguy hiểm đang tăng từ nhóm này trong khu vực.

“IS đang đưa quân vào Đông Nam Á ngày càng nhiều, khác với các mức độ từng ghi nhận trước đây” - ông Hynes tiết lộ. Khả năng cầm cự của nhóm Maute trong hơn một tháng qua bất chấp hỏa lực dữ dội hằng ngày của lực lượng chính phủ cho thấy các nhóm khủng bố thân IS đã cải thiện vượt trội về năng lực. Nhà phân tích cho rằng trận chiến Marawi cũng có tác động truyền cảm hứng cho chân rết IS lôi kéo thêm nhiều chiến binh nước ngoài tìm tới Đông Nam Á nhằm thiết lập một mặt trận mới.

Ảnh lớn: Các thành viên của nhóm khủng bố Abu Sayyaf đang làm mưa làm gió ở Philippines. Ảnh: BBC. Ảnh nhỏ:Isnilon Hapilon, thủ lĩnh của Abu Sayyaf, đọc tuyên bố trung thành với IS trong một video. Ảnh: PHIL STAR

Khó có hồi kết

GS Greg Feeley, Viện Nghiên cứu châu Á và Thái Bình Dương-ĐH Quốc gia Úc, nhận định: Cột mốc đánh dấu sự chuyển biến trong chiến lược của IS chính là việc Isnilon Hapilon được tổ chức “mẹ” tại Trung Đông phong làm “tiểu vương” ở Đông Nam Á và chính thức trở thành thành viên của IS vào năm 2016. Kênh CNN dẫn lời Rommel Banlaoi, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố ở Philippines, cho biết có đến 14 nhóm phiến quân tập hợp dưới ngọn cờ đen của IS vài tháng sau cột mốc này. Marawi là chiến dịch đầu tiên để liên minh khủng bố này thử lửa.

Từng kề vai sát cánh bên Isnilon Hapilon trong nhiều trận chiến, Abu Jihad cũng thừa nhận người bạn của mình là một thủ lĩnh rất đáng gờm. Bằng chứng là chỉ trong vài tháng sau khi được “phong vương”, Hapilon đã hiệu triệu được hàng loạt nhóm khủng bố cực đoan vốn chia rẽ nhiều thập niên qua. “Việc các nhóm chiến binh ở Philippines hội tụ lại với nhau chưa bao giờ xảy ra trước đó” - cánh tay đắc lực một thời của ông trùm khủng bố Philippines khẳng định.

Nhóm Maute muốn thu hút sự chú ý của IS cùng nguồn tài trợ từ nhóm khủng bố. Còn Abu Sayyaf cũng sẽ quyết đấu đến cùng để bảo vệ “hang ổ” trên đảo Sulu - nơi các nhóm nổi dậy địa phương bắt cóc  đòi tiền chuộc. Nhưng Abu Sayyaf và Maute chỉ mới là hai nhóm phiến quân cộm cán ở Philippines. Trả lời tờ Inquirer, luật sư trưởng của chính phủ Philippines Jose Calida cho biết riêng ở đảo Mindanao đã có tới 20 tổ chức khủng bố khác liên kết với IS đang hoạt động và bành trướng với tốc độ chưa từng thấy. Tạp chí Forbes lo ngại các nhóm khủng bố tại Mindanao sẽ không ngừng khiêu chiến cho đến khi nào đạt được mục đích tối thượng là tiền của và lãnh thổ riêng.

Làm lại cuộc đời

Abu Jihad lớn lên ở Basilan, hòn đảo phía Nam Marawi - cũng là “kinh đô” của Abu Sayyaf. Abu Jihad đã chiến đấu cùng Isnilon Hapilon trong mọi trận chiến với Lực lượng vũ trang Philippines (AFP), đặc biệt là trong cuộc bao vây một khu trại của Abu Sayyaf kéo dài hai tuần hồi năm 2000. Ông đóng vai trò là người đưa tin để gây quỹ nước ngoài, qua lại thường xuyên giữa biên giới các nước Indonesia, Malaysia và Philippines để đem hàng triệu USD cùng súng ống và chiến binh cho nhóm. Abu Jihad đào tẩu vào đầu những năm 1990 và quyết tâm làm lại cuộc đời bằng việc trở thành một giáo viên của một trường công. Tuy nhiên, bị Abu Sayyaf liên tục đe dọa đã buộc Abu Jihad trở lại con đường cũ vài năm sau đó. Đến năm 2002 ông bị bắt và bỏ tù với cáo buộc khủng bố, rồi được thả ra năm 2007. Hiện nay Abu Jihad làm việc với một nhà phân tích khủng bố - người đã phát hiện những bài viết tay chống khủng bố của ông khi ở trong tù. Abu Jihad tiếp tục viết với hy vọng ngòi bút sẽ giúp những người khác tránh đi vào vết xe đổ của mình.

________________________________

Có thể nói Marawi là bước ngoặt làm thay đổi cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố khu vực. Nó mở mắt cho các quốc gia Đông Nam Á những gì IS có thể làm tại đây.

ROHAN GUNARATNA, Trung tâm Nghiên cứu bạo lực chính trị và chủ nghĩa khủng bố quốc tế (Singapore)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm