Lời khuyên cho ngoại trưởng Mỹ tương lai: Hãy ở nhà!

Hãy ở nhà là lời khuyên của nhà ngoại giao Gerald M. Feierstein với ngoại trưởng tương lai của Mỹ, thể hiện trong bài viết của ông đăng trên Reuters ngày 9-12.

Gerald M. Feierstein từng là đại sứ Mỹ tại Yemen năm 2010-2013. Ông làm việc dưới thời cả hai ngoại trưởng Hillary Clinton và John Kerry trước khi về hưu năm nay. Hiện ông Feierstein là giám đốc Trung tâm Các vấn đề vùng vịnh thuộc Viện Trung Đông.

Khi nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama gần kết thúc, Mỹ lại bắt đầu thống kê số lần và chặng đường đi lại của vị ngoại trưởng sắp mãn nhiệm, như thể các con số này tỉ lệ thuận với đóng góp ngoại giao của vị ngoại trưởng đó.

Trong gần bốn năm làm ngoại trưởng, ông John Kerry di chuyển gần 2,1 triệu km, trải qua 564 ngày - gần 1/3 thời gian ông làm ngoại trưởng, trên đường đến 90 quốc gia.

Người tiền nhiệm - Ngoại trưởng Hillary Clinton di chuyển ít hơn, chỉ hơn 1,5 triệu km trong 401 ngày nhưng lại đến với 112 quốc gia.

Trước đó nữa, Ngoại trưởng Henry Kissinger nhiệm kỳ (1973-1977) cũng là người đi nhiều khi di chuyển hơn 900.000 km, trong 313 ngày nhưng tới hơn 200 quốc gia.

Một câu hỏi đặt ra là liệu các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ có đạt được với sự di chuyển không mệt mỏi của các ngoại trưởng? Câu trả lời là chưa hẳn.

Thực ra, theo nhà ngoại giao Feierstein, những chuyến đi này lại khiến công việc của các ngoại trưởng kém hiệu quả hơn, vì họ phải vắng mặt tại các cuộc họp quan trọng về chính sách đối ngoại. Và với sự vắng mặt của ngoại trưởng thì ảnh hưởng chính sách từ Bộ Ngoại giao được chuyển về ban Cố vấn An ninh Quốc gia và Hội đồng An ninh Quốc gia.

Nhà ngoại giao Gerald M. Feierstein, cựu đại sứ Mỹ tại Yemen. Ảnh: WN

Nhà ngoại giao Gerald M. Feierstein, cựu Đại sứ Mỹ tại Yemen. Ảnh: WN

Nói điều này không phải để bác bỏ tính cần thiết của các cuộc gặp quốc tế - NATO, G7, ASEAN... cũng như tháp tùng tổng thống công du. Ngoài ra, cũng có những thời điểm mà ngoại trưởng cần thiết phải có mặt để hoàn tất các thỏa thuận quan trọng, chẳng hạn thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran.

Thông thường thì với các thỏa thuận như thế này, phần lớn công việc đàm phán sẽ do các quan chức và chuyên gia các bên đảm trách, mở đường cho các ngoại trưởng giải quyết những bất đồng cuối cùng và ký.

Tuy nhiên, lịch di chuyển của các ngoại trưởng những năm gần đây dày đặc các chuyến đi mà mục tiêu không rõ ràng, chưa được chuẩn bị kỹ và rồi chẳng đạt được mục đích. Thực tế thất bại lặp đi lặp lại trong thương lượng giải quyết xung đột Syria là một minh chứng, theo ông Feierstein.

Trong bốn năm, Ngoại trưởng Kerry tham dự ít nhất 20 cuộc gặp chính thức của các ngoại trưởng về vấn đề Syria. Thêm vào đó cũng khoảng 20 cuộc gặp song phương và đa phương, tham vấn, hội nghị về Syria. Tính ra trung bình cứ hơn một tháng lại có một cuộc gặp về Syria. Và kết quả là gì? Tình hình Syria đang tệ hơn bao giờ hết.

Nỗ lực tìm kiếm hòa bình Israel-Palestine cũng là một ví dụ. Ngoại trưởng đầu tư thời gian và công sức cho những chuyến bay và nỗ lực của mình, mặc dù hòa bình Israel-Palestine hoàn toàn xa xôi, không có lý do gì để mong đợi đầu tư sẽ có kết quả.

Các chuyến đi không cần thiết của ngoại trưởng gây hại cho quyền lợi chính sách đối ngoại của Mỹ, khi ngoại trưởng thường xuyên vắng mặt ở Mỹ.

Vì bận công du, ngoại trưởng sẽ không có mặt lúc tổng thống ra các quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách đối ngoại. Nói một cách thẳng thắn thì khi họp Hội đồng An ninh Quốc gia, nếu Bộ Ngoại giao vắng chủ thì tiếng nói sẽ không mạnh bằng các bộ khác trong chính phủ. Hậu quả có thể là sự mất cân bằng trong các chính sách ngoại giao, quân sự, tình báo...

Một ảnh hưởng thứ hai của việc ngoại trưởng vắng mặt ở Mỹ là cơ hội thể hiện vai trò của mình với Hội đồng An ninh Quốc gia trong việc thực hiện chính sách sẽ giảm.

Vì vậy, lời khuyên nhà ngoại giao Feierstein dành cho ngoại trưởng mới là nên ở nhà nhiều hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng nhất của một ngoại trưởng - lãnh đạo ngoại giao và kiến thiết chính sách đối ngoại.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm