Mỹ bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ đánh Nhà nước Hồi giáo

Hôm trước đó, AFP dẫn nguồn từ một quan chức quốc phòng Mỹ tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến công du đến Ethiopia cho biết Mỹ và TNK đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo.

Cụ thể là hai bên nhất trí lập một khu vực an ninh không bị Nhà nước Hồi giáo đe dọa và cải thiện tình hình an ninh biên giới giữa TNK-Syria. TNK sẽ ủng hộ các đối tác của Mỹ ở Syria (quân nổi dậy ôn hòa Syria) chiến đấu trên bộ. Dù vậy, vùng cấm bay theo đề nghị của TNK sẽ không được thực hiện.

Tay súng bắn tỉa người Kurd từ Syria nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Ngày 27-7, Thủ tướng TNK Ahmet Davutoglu khẳng định: “Chúng tôi không muốn nhìn thấy Nhà nước Hồi giáo ở biên giới TNK”. Ông khẳng định TNK có thể thay đổi cân bằng ở Syria, Iraq và trong toàn khu vực.

TNK đang tập trung tấn công hai mục tiêu. Song song với không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria, máy bay TNK cũng tấn công hậu cứ của đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq. Để trả đũa, PKK đã gia tăng tấn công cảnh sát TNK.

Chính sách hai mặt trận của TNK đã gây ra nhiều hoài nghi. Một số ý kiến cho rằng TNK “thừa gió bẻ măng”, lợi dụng danh nghĩa chống Nhà nước Hồi giáo chứ thực chất mục đích ưu tiên là đánh PKK. Ngày 27-7, người Kurd tại Syria đã tố cáo xe tăng TNK bắn qua biên giới vào hai ngôi làng của người Kurd ở tỉnh biên giới Aleppo (Syria).

Các đồng minh của TNK hoan hô TNK đánh Nhà nước Hồi giáo nhưng dè dặt khi nói đến vấn đề PKK. Ngoại trưởng Mỹ John Kirby cho rằng TNK có quyền tự vệ đối với PKK. Còn Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trên đài truyền hình NRK (Na Uy) ghi nhận có tiến bộ trong đàm phán hòa bình giữa PKK và chính phủ TNK. Ông nói: “Quyền tự vệ phải cân xứng”.

TNL

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm