Mỹ đang cố gắng chia rẽ Nga và Pháp?

Phương Tây đã áp dụng các lệnh trừng phạt chống lại Nga hơn một năm qua do những cáo buộc nước này có liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Những lệnh trừng phạt này sẽ hết hạn vào tháng 1 năm sau, dù rằng giới chức Nga liên tục phủ nhận bất kỳ liên hệ nào với miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, những vụ khủng bố chấn động gần đây đã đưa các cuộc cãi vã chính trị sang một trang mới. Khác biệt tồn tại giữa các cường quốc dường như nhỏ hơn rất nhiều so với các mối đe dọa chết người ngay trước mắt là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Không ai nhận thức rõ điều này hơn Nga và Pháp, hai đất nước vừa bị IS tấn công: Máy bay A321 của Nga bị bắn rơi trên bán đảo Sinai và Paris bị tấn công khủng bố ngày 13-11. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó đã tăng cường các chiến dịch không kích ở Syria.

Sau vụ khủng bố, sự thân thiết giữa Nga và Pháp cũng được bộc lộ. Tuy nhiên, việc này được cho là không đe dọa đến Washington. Theo các quan chức của chính quyền Obama, trong chuyến thăm Washington vào tuần tới của ông Hollande, Nhà Trắng có khả năng sẽ gây áp lực kêu gọi Pháp gia hạn các lệnh trừng phạt Nga.

 Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh G-7 diễn ra ở Đức hồi tháng 6-2015. (Ảnh: AP)

Tờ Politico dẫn lời ông Evelyn Farkas, cựu “chuyên gia” của Lầu Năm Góc, về vấn đề Nga cho rằng lệnh trừng phạt kết thúc sớm “luôn luôn là nỗi lo lắng của chúng tôi.” Các quan chức khác cũng xác nhận việc Nga và châu Âu hợp tác chính là nỗi sợ hãi của chính quyền Obama.

Với mục tiêu mới là IS, các lãnh đạo châu Âu ngày càng nghiêng về phía Nga với các chiến dịch không kích chống khủng bố thành công của nước này ở Syria. Trong một vài tháng ngắn ngủi, các cuộc không kích của Nga đã vượt mặt chiến dịch kéo dài nhiều năm do Mỹ dẫn đầu. Chiến lược không nhất quán của chính quyền Obama trong khu vực cũng bị chỉ trích nặng nề.
“Tôi cho rằng không thể đổ lỗi cho Pháp vì sự hợp tác với Nga, đặc biệt là sau khi Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng vụ tấn công Paris không phải là sự kiện chứng minh cho những thay đổi chiến lược của Mỹ ở Syria,” cựu nhà ngoại giao Pháp Simond de Galbert trao đổi với tờ Politico. “Bất kể mọi người nghĩ gì về người Nga nhưng sự thật rằng họ là những người duy nhất có thể và sẵn sàng nỗ lực đáng kể để chiến đấu”.
Trong bối cảnh Nhà Trắng hy vọng có thể thuyết phục được Tổng thống Hollande về tầm quan trọng của việc trừng phạt Nga, ông Hollande cũng sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Putin trong tháng này ở Moscow. Ông Hollande gọi việc này là sự thúc đẩy “một liên minh lớn”.
Trong một bài phát biểu ngay sau khi các cuộc tấn công Paris, Tổng thống Pháp cho biết: “Mục tiêu trong thời gian sắp tới là tôi sẽ gặp Tổng thống Obama và Tổng thống Putin để liên minh lực lượng và đạt được những kết quả vốn đã bị trì hoãn quá lâu.” Nếu Mỹ còn tiếp tục theo đuổi chính sách cô lập Nga, một liên minh thống nhất như lời ông Hollande nói dường như khó xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm