Mỹ gửi thông điệp 'cảnh báo' đến Tổng thống Iran

"Chúng tôi hy vọng ông Rouhani có thể làm những điều này để cải thiện mối quan hệ giữa Iran với thế giới" - Ngoại trưởng Rex Tillerson phát biểu tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia khi đang tháp tùng chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Rouhani đã giành được 57% số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 19-5. Ông đã đánh bại ứng cử viên Ebrahim Raisi - một người thân cận với Đại giáo chủ Ali Khamenei. Theo cơ cấu quyền lực hiện nay ở Iran, Tổng thống  chỉ là người nắm giữ quyền lực thứ hai trong nước, sau Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Người dân ủng hộ Tổng thống Iran Hassan Rouhani ăn mừng chiến thắng trên đường phố thủ đô Tehran, Iran vào ngày 20-5. Ảnh: REUTERS

Chính quyền của Trump có thể sẽ tiếp tục gây sức ép lên Iran vì chương trình vũ khí cũng như những hành động "gây bất ổn" của nước này ở khu vực Trung Đông, các cựu quan chức Mỹ và các nhà phân tích cho biết. Reuel Marc Gerecht, cựu nhân viên CIA chuyên về Iran nói: "Tôi nghĩ rằng chính quyền ông Trump sẽ vẫn còn rất kiên định với vấn đề này. Vì vậy, tôi không cho rằng sẽ có bất kỳ thay đổi nào" trong chính sách của Mỹ đối với Iran.

Phát biểu của Ngoại trưởng Tillerson tại một cuộc họp báo ở thủ đô Riyadh dường như cũng củng cố quan điểm này. Tuy nhiên ông để ngõ khả năng liệu Mỹ có tiếp tục đàm phán với Iran hay không. Ông cho biết Mỹ hy vọng ông Rouhani sẽ "bắt đầu triệt phá mạng lưới khủng bố của Iran" và ngưng tài trợ cũng như cung cấp nhân sự và hậu cần cho các nhóm khủng bố. Mỹ cũng hy ông Rouhani "sẽ ngừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo".

Dù có thỏa thuận hạt nhân, nhưng Mỹ vẫn coi Iran là "quốc gia tài trợ cho khủng bố" vì nước này đã hỗ trợ cho các nhóm phiến quân Hezbollah ở Lebanon. Mỹ cũng xem việc Iran ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria, phiến quân Houthi ở Yemen, và nhóm dân quân Hezbollah ở Lebanon đã gây ra sự "bất ổn" ở khu vực Trung Đông.

Tổng thống tái đắc cử Hassan Rouhani phát biểu tại thủ đô Tehran, Iran vào ngày 20-5. Ảnh: REUTERS

Ahmad Majidyar, chuyên gia của Viện Trung Đông ở Washington cho biết: "Mỹ và Iran là những đồng minh trong cuộc chiến chống lại IS. Tuy nhiên hiện IS sắp bị tiêu diệt thì  lại xuất hiện dấu hiệu căng thẳng giữa lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn và lực lượng Mỹ trên các mặt trận chống IS".

Ngày 17-5, Nhà Trắng vừa thông báo sẽ không hủy bỏ mà sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông Trump cũng đưa ra lệnh trừng phạt với hai quan chức quốc phòng Iran và một công ty Iran mà chính phủ Mỹ cho rằng có liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo Iran. Các nhà phân tích cho biết ông Rouhani tái đắc cử sẽ càng khiến cho chính quyền Trump gặp khó khăn hơn trong việc khuyến khích sự ủng hộ quốc tế cho Liên minh châu Âu, các lệnh trừng phạt của LHQ hay các hành động mạnh tay khác.

Ông Rouhani và Ngoại trưởng Zarif đã có thái độ cởi mở hơn với các mối quan hệ ngoại giao, hai ông thường công du đến các quốc gia châu Âu. Ngoại trưởng Zarif được đánh giá rất cao vì có khả năng nói tiếng Anh lưu loát và thường xuyên có các cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây. "Hiện sẽ rất khó để cô lập Iran trên trường quốc tế khi Iran có một Bộ trưởng Ngoại giao như ông Zarif” - Karim Sadjadpour, nhà phân tích người Iran tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết.

Hiện ông Trump đang viếng thăm Ả Rập Saudi và sau đó là Israel, các nước "đối thủ" của Iran.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm