Mỹ lập sở chỉ huy quân đội sát vách Nga

Theo AFP, Bộ chỉ huy châu Âu quân đội Mỹ ngày 4-5 cho biết đã thành lập một sở chỉ huy mới tại Ba Lan để chỉ huy các binh sĩ tham gia những hoạt động của NATO và Lầu Năm Góc ở sườn đông châu Âu, tức phía tây Nga nhằm mục đích răn đe Moscow.

Trước đó, Mỹ đã triển khai một lữ đoàn chiến đấu bổ sung tới châu Âu như một phần của Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương (OAR), nâng số lữ đoàn của Mỹ ở châu lục này lên tới ba lữ đoàn.

“Tuần trước, hơn 100 binh sĩ đã di chuyển từ doanh trại Smith Barracks ở Baumholder, Đức tới Poznan, Ba Lan để tăng cường năng lực cho lực lượng luân phiên của Mỹ. Đây là nơi quân đội Mỹ chưa duy trì hiện diện quân sự đáng kể trước đây” – người phát ngôn OAR Brent Williams cho biết.

Mỹ lập sở chỉ huy quân đội mới ở Ba Lan trong bối cảnh NATO tăng cường quân ở sườn đông châu Âu. Ảnh: AFP

Sở chỉ huy này sẽ quản lý hơn 6.000 binh sĩ Mỹ được triển khai tại các quốc gia thành viên ở sườn đông hay sát sường đông của NATO là Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Đức, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria.

Ba Lan giáp với Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga nằm ven bờ biển Baltic. Được đánh giá như một mũi dao đâm vào giữa Ba Lan và Lithuania, đồng thời là trọng điểm trấn giữ eo biển Baltic, bất cứ một động thái quân sự nào của Nga ở Kaliningrad cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các nước thành viên NATO.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump từng chỉ trích NATO là “lỗi thời” và yêu cầu liên minh quân sự này phải tăng chi tiêu quân sự để chia sẻ gánh nặng quốc phòng. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng 4 bất ngờ tuyên bố NATO không còn lỗi thời và ca ngợi vai trò của tổ chức này trong cuộc chiến chống khủng bố. Vị tổng thống Mỹ cũng đã thực hiện đúng cam kết triển khai quân đội Mỹ đến sườn đông của châu Âu dù vẫn lặp lại yêu cầu các đồng minh châu Âu gia tăng chi tiêu quân sự.

NATO đang triển khai bốn tiểu đoàn lần đầu tiên tới Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania để làm “lá chắn” ngăn chặn các động thái can dự của Nga vào khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm