Mỹ, NATO chỏi nhau chuyện Kosovo định lập quân đội

Ngày 17-12, theo đề nghị của Serbia, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) họp về quyết định thành lập quân đội chính quy, thường trực của Kosovo - lãnh thổ đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008. Ngày 14-12, Nghị viện Kosovo thông qua ba dự luật cho phép nâng cấp lực lượng an ninh Kosovo với 4.000 thành viên hiện tại lên thành quân đội chính quy với 5.000 binh sĩ, 3.000 quân dự bị (trong đó 5% sẽ là người Serbia).

Tình hình Balkan leo thang nguy hiểm

Cuộc họp của HĐBA LHQ cho thấy căng thẳng liên quan tình hình Kosovo và Tây Balkan đang leo thang nguy hiểm. Theo AP, tại cuộc họp, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cáo buộc Kosovo vi phạm Nghị quyết 1999 của LHQ, yêu cầu Kosovo trưng giấy tờ chứng minh mình có quyền chủ quyền để thành lập quân đội. Trước cuộc họp, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic nói nếu Kosovo không dừng lại thì can thiệp quân sự là “một trong những khả năng đang được Serbia cân nhắc”. Ông Nikola Selakovic, cố vấn Tổng thống Vucic, cho biết Serbia có thể sẽ triển khai quân.

Không chỉ Serbia mà cả Nga cũng lên án kế hoạch của Kosovo, cảnh cáo việc này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho an ninh Balkan. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc Kosovo hành động vô pháp khi quyết định chuyển lực lượng an ninh Kosovo thành quân đội, cảnh báo “tình hình sẽ bùng nổ”. Theo ông Nebenzia, “lo ngại lớn nhất là khả năng các đơn vị người Albania vũ trang sẽ tấn công vào các khu vực người Serbia ở phía Bắc Kosovo nhằm thiết lập kiểm soát toàn bộ lãnh thổ bằng vũ lực”. Ông Nebenzia cảnh báo “viễn cảnh này có thể dẫn tới đổ máu và là một thảm họa thật sự, đưa Balkan quay lại thời điểm hỗn loạn, hủy hoại mọi nỗ lực ổn định khu vực”. Ông Nebenzia lo các lực lượng quốc tế hiện diện ở khu vực sẽ không kịp hoặc không đủ sức ngăn chặn “viễn cảnh chớp nhoáng này”.

Phần mình, lãnh đạo Kosovo Hashim Thaci nói rằng Kosovo là một nước có chủ quyền và hoàn toàn có quyền thành lập quân đội của riêng mình. Ông Thaci chỉ trích: “Vấn đề láng giềng phía Bắc của chúng tôi gặp phải hôm nay không phải chuyện quân đội của Kosovo, mà là Kosovo tồn tại như một nước độc lập có chủ quyền”. Theo ông Thaci, Kosovo đã phải chờ đến năm năm với hy vọng có sự thống nhất từ Serbia.

Trước cuộc họp HĐBA một ngày, ông Thaci nói quyết định thành lập quân đội là “không thể đảo ngược”. Theo lời ông Thaci, “quân đội Kosovo không và sẽ không bao giờ là đe dọa với bất cứ ai” với nhiệm vụ chính là phản ứng khủng hoảng, bảo vệ dân sự, tháo mìn trong cuộc xung đột thập niên 1990. Ông Thaci cũng cho biết Kosovo sẽ hợp tác rất chặt với NATO trong quá trình thành lập với mục tiêu cho ra một lực lượng chuyên nghiệp, đa tộc người.

Thành viên lực lượng an ninh Kosovo tại thủ phủ Pristina (Kosovo) ngày 14-12. Ảnh: AP

NATO phản đối, Mỹ ủng hộ

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lấy làm tiếc Kosovo vẫn ra quyết định “không đúng lúc” này dù NATO trước đó đã bày tỏ quan ngại. Trước khi Nghị viện Kosovo bỏ phiếu, ông Stoltenberg đã cảnh báo hành động đi ngược lại lời khuyên nhiều nước NATO của Kosovo sẽ tác động tiêu cực với viễn cảnh Kosovo hòa nhập nhóm châu Âu-Đại Tây Dương. Ông Stoltenberg cũng cảnh cáo NATO sẽ “cân nhắc lại mức độ gắn bó của quân đội NATO với lực lượng an ninh Kosovo”.

10 năm là thời gian tối thiểu Kosovo cần có để lập quân đội, theo dự đoán của nhiều nhà ngoại giao khu vực. Đại sứ Mỹ tại Kosovo Kosnett cũng nhận định đây là một tiến trình lâu dài. 

Cảnh báo quyết định của Kosovo có thể gây mất ổn định khu vực, vô hiệu hóa các nỗ lực giảm căng thẳng hàng thập niên qua, ông Stoltenberg đề nghị Kosovo và Serbia “bình tĩnh và kiềm chế, tránh mọi phát ngôn hay hành động khiêu khích”, rằng “đối thoại là cách duy nhất mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực”.

Trong khi NATO nói quyết định Kosovo “không đúng lúc” thì Mỹ lại ủng hộ. Nói với đài RTK (Kosovo), Đại sứ Mỹ tại Kosovo Philip Kosnett cho rằng đây là bước đi tích cực và chuyện một nước độc lập, có chủ quyền như Kosovo trang bị khả năng tự vệ là điều bình thường. Ông Kosnett khẳng định “Mỹ luôn ủng hộ phát triển lực lượng an ninh Kosovo thành quân đội Kosovo”. Ông Kosnett cũng nói đã bàn với các lãnh đạo Kosovo chuyện đưa quân đội tương lai phối hợp thực hiện các chiến dịch gìn giữ hòa bình ngoài lãnh thổ.

Tổng thống Serbia Vucic cho rằng Kosovo đi tới quyết định này là vì có sự khuyến khích của Mỹ, Anh, Đức.

Liệu Serbia có can thiệp quân sự vào Kosovo?

Serbia có lực lượng quân đội mạnh với 28.000 binh sĩ. Theo TASS, mọi sự can thiệp quân sự của Serbia vào Kosovo đồng nghĩa đối đầu trực tiếp với hàng ngàn binh sĩ gìn giữ hòa bình của NATO, bao gồm cả lính Mỹ - lực lượng đã đồn trú ở Kosovo từ năm 1999. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích Balkan, chuyện này sẽ không xảy ra khi Serbia đang rất mong muốn được gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Kosovo vốn là một tỉnh của Serbia và được LHQ cùng NATO kiểm soát sau khi NATO can thiệp vào cuộc giao tranh giữa người thiểu số Serbia và phe ly khai đa số gốc Albania năm 1999. Đến năm 2008, các lãnh đạo người Albania ở Kosovo tuyên bố độc lập, đến nay đã được 116 nước công nhận. Trong số các nước không công nhận, ngoài Serbia còn có Nga, Trung Quốc… Với quyền phủ quyết của mình tại HĐBA LHQ, Nga đã phong tỏa Kosovo trở thành thành viên của LHQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm