Mỹ phản ứng tối hậu thư các nước Ả Rập, bênh Qatar

Ngày 25-6, Mỹ chính thức có phản ứng với tối hậu thư các nước Ả Rập vùng Vịnh gửi Qatar nhằm chấm dứt khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các nước trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Qatar đã bắt đầu xem xét cẩn thận tối hậu thư, tuy nhiên chỉ trích 13 điều kiện “rất khó” đáp ứng, cảnh cáo nhóm các nước Ả Rập và cả Qatar cùng kiềm chế, hạ giọng để giải quyết bất đồng.

“Trong khi nhiều điều kiện quá khó cho Qatar đáp ứng, vẫn có một số khía cạnh có thể giúp các nước đối thoại tìm giải pháp giải quyết khủng hoảng” – Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố.

“Chúng tôi tin các đồng minh và đối tác sẽ mạnh hơn khi hợp tác cùng nhau vì một mục tiêu mà chúng ta đã thống nhất, là chống khủng bố và cực đoan. Mỗi một quốc gia liên quan đều có vai trò đóng góp. Cùng dịu giọng sẽ giúp giảm căng thẳng” - Ông Tillerson đề nghị Qatar cùng 4 nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập cùng đối thoại, cho biết Mỹ sẽ tiếp tục giữ liên lạc với tất cả các bên và ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải của Kuwait.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson muốn các bên cùng đối thoại. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson muốn các bên cùng đối thoại. Ảnh: REUTERS

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh khiến Mỹ lâm vào thế khó xử, khi cả 3 nước Qatar, Saudi Arabia, UAE đều là đồng minh chiến lược của Mỹ. Qatar là nơi Mỹ có căn cứ quân sự lớn nhất Trung Đông với 11.000 quân.

Ông Tillerson tuần trước đã phải hủy chuyến đi Mexico để có thời gian tìm cách giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên cả ông và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn lúng túng chưa tìm ra cách hiệu quả.

Ngày 5-6, Qatar bị một loạt nước Ả Rập - Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập, Yemen, Lybia, Cộng hòa Maldive cắt quan hệ và cô lập vì cáo buộc ủng hộ khủng bố. Ngày 22-6, nước trung gian hòa giải Kuwait gửi đến Qatar tối hậu thư gồm 13 điều kiện do Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập soạn thảo. Trong đó có một số điều kiện như đóng cửa đài truyền hình Al Jazeera, đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar và ngưng hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, trục xuất các thành viên phong trào Anh em Hồi giáo, cắt quan hệ với Iran... Qatar có 10 ngày để trả lời thực hiện 13 điều này để nối lại quan hệ với các nước Ả Rập.

Ngay sau khi nhận tối hậu thư này phía Qatar nhanh chóng chỉ trích các điều kiện là không thực tế, quá đáng, vi phạm chủ quyền độc lập của Qatar.

Ngay trong ngày 22-6, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng khẳng định sẽ không đóng cửa căn cứ ở Qatar, rằng các nước Ả Rập không có quyền can thiệp vào chuyện quan hệ song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, Ngày 25-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng phản đối yêu cầu của các nước Ả Rập là không tôn trọng Thổ Nhĩ Kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm