Mỹ sắp ra các biện pháp mới đối phó Triều Tiên

Từ ngày 15 đến 19-3 tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ có chuyến công du châu Á đầu tiên đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trọng tâm chuyến đi của ông Tillerson sẽ bàn về các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên cũng như quyền lợi kinh tế và an ninh của Mỹ ở khu vực, theo Reuters.

Chuyến thăm ba nước Nhật - Hàn - Trung của ông Tillerson đến trong thời điểm nhạy cảm của an ninh Đông Bắc Á, khi Triều Tiên vừa thử cùng lúc bốn tên lửa đạn đạo và Mỹ vừa triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc.

4 tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phóng dưới sự giám sát của Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA

Bốn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phóng dưới sự giám sát của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA

Một báo cáo nội bộ của Nhà Trắng mới đây cho thấy Mỹ đang tính toán các phương án triệt tiêu đe dọa từ Triều Tiên, không loại trừ dùng vũ lực hoặc thay đổi thể chế Triều Tiên.

Theo Reuters, vụ phóng bốn tên lửa mới nhất này của Triều Tiên đã khiến các trợ lý Tổng thống Trump thúc nhanh tiến độ hoàn tất chiến lược đối phó các đe dọa từ tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, dự kiến quá trình sẽ hoàn tất vào cuối tháng này. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ vẫn được giữ lại đến khi ông Trump hoàn tất các vị trí trong Hội đồng An ninh quốc gia.

Mọi phương án đều được xem xét, từ thắt chặt trừng phạt để đưa Triều Tiên quay lại đàm phán hạt nhân đến tái triển khai vũ khí hạt nhân đến Hàn Quốc, thậm chí không kích phủ đầu các cơ sở tên lửa của Triều Tiên.

Hiện nhiều ý kiến đồng tình với phương án tăng áp lực kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên, đặc biệt thúc giục Trung Quốc mạnh tay kiềm chế Triều Tiên hơn nữa trong khi khẩn trương triển khai hệ thống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc và Nhật. Nhiều nhà ngoại giao lo ngại việc Mỹ triển khai tên lửa THAAD ở Hàn Quốc dù trấn an các đồng minh nhưng sẽ hứng đối đầu từ Trung Quốc, vô hình trung sẽ khiến Trung Quốc nới lỏng tay làm áp lực lên Triều Tiên.

Bên cạnh đó, còn một khả năng nữa là đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố mà nước này đã được đưa ra từ năm 2008. Theo Reuters, đây có thể là động thái phản ứng với nghi án mà Mỹ cho là Triều Tiên dùng chất độc thần kinh VX ám sát ông Kim Jong-nam tại Malaysia tháng trước.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 hồi tháng 2. Ảnh: KCNA

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 hồi tháng 2. Ảnh: KCNA

Khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên không nhận được nhiều đồng tình vì nhiều quan chức Mỹ cho nó quá rủi ro. Hành động này có thể dẫn đến chiến tranh khu vực, gây thương vong lớn cho Hàn Quốc và Nhật cùng với hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ đóng quân ở hai nước này.

Tuy nhiên, theo Reuters, ý tưởng này có thể vẫn sẽ được cân nhắc thực hiện nếu Triều Tiên tiếp tục phát triển và thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bắn đến Mỹ. Hồi tháng 1, Tổng thống Trump từng tuyên bố “điều đó sẽ không xảy ra” khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này sắp phát triển thành công ICBM có thể bắn tới Mỹ. Ông Trump cũng có thể lựa chọn tăng tấn công mạng nhắm vào hàng ngũ lãnh đạo Triều Tiên.    

Ông Trump được biết đến là người ít kiên nhẫn khi bàn chi tiết về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, theo một số quan chức Mỹ, ông Trump hiện dường như đã thấm được cảnh báo từ người tiền nhiệm Barack Obama rằng Triều Tiên sẽ là một trong những thách thức đối ngoại lớn nhất của mình. Điều này thể hiện qua việc ông gần đây thường xuyên yêu cầu báo cáo thông tin tình báo về Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm