Mỹ tăng áp lực với Triều Tiên sẽ phản tác dụng?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-11 (giờ Mỹ) quyết định đưa Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ khủng bố. Để đi đến quyết định này, chính phủ Trump đã trải qua hàng tháng trời tranh luận, theo CNN.

Có thể phản tác dụng?

“Hôm nay Mỹ xem Triều Tiên là một nước tài trợ khủng bố. Điều này nên được làm từ rất lâu, từ hàng năm trước. Không chỉ đe dọa thế giới với sự hủy diệt hạt nhân, Triều Tiên còn nhiều lần ủng hộ các hành động khủng bố quốc tế, trong đó có ám sát ở nước ngoài” - Tổng thống Trump nói trong cuộc họp nội các ngày 20-11. Cáo buộc ám sát nước ngoài nói đến người đàn ông mang hộ chiếu Triều Tiên tên Kim Chol thiệt mạng tại Malaysia hồi tháng 2. Người này được cho là Kim Yong-nam, anh của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Bên cạnh đó, sinh viên Mỹ Otto Warmbier tử vong sau 17 tháng bị bắt giữ tại Triều Tiên cũng được Tổng thống Trump nhắc đến khi thông báo quyết định.

Anthony Ruggiero, chuyên gia về trừng phạt quốc tế tại tổ chức Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (Mỹ), nhận định động thái này cũng không mở ra phương án trừng phạt nào mới mà Triều Tiên chưa gặp phải. Đây có thể là bước đi trong chiến dịch tạo “áp lực hòa bình”, hướng đến hối thúc các nước cắt quan hệ ngoại giao và thương mại với Triều Tiên. Trong khi đó, bước đi này của Mỹ có thể sẽ phản tác dụng. Một mặt, các chứng cứ để đưa Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố còn tranh cãi, chưa thuyết phục, một cựu quan chức tình báo Mỹ chia sẻ với Reuters.

Không những thế, thái độ cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể đóng sập cánh cửa đối thoại với chính quyền Bình Nhưỡng. Ông Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì quyền lợi quốc gia (Mỹ), lo ngại tuyên bố này sẽ đẩy hai nước vào trò chơi nguy hiểm bên bờ vực chiến tranh. Hồi tháng 2, kế hoạch đối thoại giữa các cựu quan chức Mỹ và Triều Tiên đổ vỡ khi Mỹ từ chối cấp visa cho một đặc phái viên Triều Tiên, theo AP.

Tổng thống Donald Trump (giữa) cùng Ngoại trưởng Rex Tillerson (trái) trong cuộc họp nội các ngày 20-11 tại Nhà Trắng. Ảnh: GETTY IMAGES

Trừng phạt thiếu hiệu quả

Đưa Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ khủng bố cho phép Mỹ tăng cường trừng phạt các cá nhân và chính phủ làm ăn với Triều Tiên. Tổng thống Trump ngày 20-11 nói rõ Bộ Tài chính Mỹ sẽ sớm thông báo trừng phạt Triều Tiên, có thể vào ngày 21-11 (giờ Mỹ).

Lâu nay biện pháp trừng phạt vẫn thất bại trong kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Theo chuyên gia thương mại Gary Hufbauer tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), trừng phạt lần tới cũng sẽ cùng số phận. Chẳng những thế, động thái này có thể tạo lực cản trong nỗ lực thuyết phục Trung Quốc hợp tác kiềm chế Triều Tiên, hay thậm chí chuốc lấy đòn trả đũa. Ngoài trừng phạt các tổ chức và cá nhân Triều Tiên “liên quan đến khủng bố”, Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ nhắm đến các cá nhân, công ty, ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên, theo chuyên gia về Đông Bắc Á Bruce Klingner - Quỹ Di sản (Mỹ).

Cựu quan chức ngoại giao Mỹ Evans Revere nhận định Triều Tiên hiện có trong tay nhiều sự lựa chọn để đáp trả quyết định của ông Trump, trong đó có thử hạt nhân và tên lửa.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera thận trọng cho rằng không loại trừ khả năng Triều Tiên trả đũa. Quân đội Hàn Quốc cho biết đã chuẩn bị đối phó mọi động thái quân sự từ Triều Tiên.

____________________________

4 nước từng nằm trong “danh sách đen” của Mỹ gồm Syria (từ năm 1979), Iran (từ năm 1984), Sudan (từ năm 1993) và Triều Tiên. Năm 1987, nước này từng bị Mỹ đưa vào danh sách nhưng được Tổng thống George W. Bush gạch tên vào năm 2008.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm