Mỹ tưởng niệm 75 năm 'ác mộng' Trân Châu Cảng

Ngày 7-12 (giờ Mỹ), nước Mỹ tưởng niệm lần thứ 75 trận đánh Trân Châu Cảng. Tại Trân Châu Cảng đã diễn ra phút mặc niệm tưởng niệm thời điểm máy bay Nhật bắt đầu tấn công Trân Châu Cảng 75 năm về trước.

Phát biểu tại căn cứ quân sự Trân Châu Cảng - nơi diễn ra trận đánh năm 1941, Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho rằng: “Trận đánh đưa ra lời cảnh báo: Không được quên sự kiện Trân Châu Cảng. Nước Mỹ phải luôn cảnh giác”.

Một góc trận đánh Trân Châu Cảng ngày 7-12-1941. Ảnh: REUTERS

Nhiều cựu binh trận đánh giờ đã ở tuổi trên 90 cũng đến tưởng niệm Trân Châu Cảng.

Cựu binh hải quân Will Lehner có mặt trong lực lượng tuần tra của Mỹ đánh chìm một tàu ngầm nhỏ của Nhật gần cổng vào Trân Châu Cảng một giờ rưỡi trước khi Nhật tấn công. Nói với NPR, ông cho biết: “Chúng tôi thấy rất nhiều khói và nhiều máy bay đang đến. Chúng tôi đã không biết chuyện sẽ tồi tệ đến thế nào mãi đến khi trận đánh bắt đầu. Đó là khi chúng tôi nhìn thấy toàn bộ sự phá hủy. Mặt nước đầy thi thể”.

Cựu binh Earl Smith, 94 tuổi, có mặt trên tàu USS Tennessee trong trận đánh. Nói với Hawaii Public Radio, ông cho biết mới ngày trước đó đội bóng bầu dục của tàu ông vừa đánh bại các đội của hai tàu USS West Virginia và USS Arizona. “Một nửa đội bóng của tàu USS West Virginia và toàn bộ đội bóng của tàu USS Arizona đã thiệt mạng ngay ngày hôm sau”.

Ông Robert Coles, người sống sót trong trận đánh Trân Châu Cảng trong buổi lễ tưởng niệm 75 năm Trân Châu Cảng bị Nhật tấn công, tại Hawaii (Mỹ) ngày 7-12-2016. Ảnh: REUTERS

Ông Robert Coles, người sống sót trong trận đánh Trân Châu Cảng, trong buổi lễ tưởng niệm 75 năm Trân Châu Cảng bị Nhật tấn công, tại Hawaii (Mỹ) ngày 7-12-2016. Ảnh: REUTERS

Phát biểu từ thủ đô Washington, Tổng thống Barack Obama nói: “Biết ơn những người đã hy sinh và bi thương trong trận đánh, những người đã đối diện với sự ô nhục với sự dũng cảm, những người đã mang lại tự do cho người khác khỏi chủ nghĩa phát xít, những người đã và vẫn còn truyền cảm hứng cho chúng ta”.

“Hơn 2.400 đồng bào Mỹ thiệt mạng trong vụ Trân Châu Cảng bị tấn công - quân đội và dân thường, đàn ông, phụ nữ và trẻ em”.

Tổng thống Obama nhắc tới việc ông sẽ cùng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Trân Châu Cảng vào cuối tháng này.

“Tôi chờ mong chuyến thăm đài tưởng niệm USS Arizona cuối tháng này với Thủ tướng Shinzo Abe. Chuyến thăm lịch sử này sẽ là minh chứng cho sức mạnh của sự hòa giải và cho sự thật rằng Mỹ và Nhật - vốn không thể tưởng tượng sẽ trở thành liên minh thời điểm 75 năm trước - sẽ tiếp tục sát cánh vì một thế giới hòa bình và an ninh hơn”.

Một cựu binh trở về Trân Châu Cảng ngày 7-12. Ảnh: CBS NEWS

Thủ tướng Abe sẽ là lãnh đạo Nhật đầu tiên thăm Trân Châu Cảng từ sau Thế chiến thứ II. Hành động này như một sự đáp lễ việc Tổng thống Obama thăm TP Hiroshima của Nhật giữa năm nay. Cùng với Nagasaki, Hiroshima là nơi đã hứng một quả bom nguyên tử của Mỹ năm 1945.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng việc các cựu binh Mỹ có thể cảm thấy “cay đắng” với chuyến thăm của Thủ tướng Nhật đến Trân Châu Cảng, tuy nhiên phải để lòng yêu nước vượt qua cảm xúc cá nhân.

Tàu khu trục USS Shaw của Mỹ ở Trân Châu Cảng phát nổ vì trúng bom từ máy bay Nhật ném xuống ngày 7-12-1941. Ảnh: GETTY IMAGES

Tàu khu trục USS Shaw của Mỹ ở Trân Châu Cảng phát nổ vì trúng bom từ máy bay Nhật ném xuống ngày 7-12-1941. Ảnh: GETTY IMAGES

Đội tàu Nhật đã lặng lẽ tiến sát Trân Châu Cảng và vào ngày 7-12-1941, 325 máy bay xuất phát từ sáu tàu sân bay của Nhật đã bất ngờ không kích căn cứ hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng.

Về phía Mỹ, 2.402 binh sĩ thiệt mạng, 1.282 binh sĩ bị thương, 188 máy bay bị phá hủy, hàng loạt tàu chiến bị đánh chìm, trong đó có chiến hạm Arizona - đã trở thành một biểu tượng của trận đánh. 68 dân thường cũng thiệt mạng.

Phía Nhật thiệt hại 29 máy bay, bốn tàu ngầm, 65 người chết.

Ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ khi đó Franklin D. Roosevelt tuyên bố chiến tranh với Nhật, chính thức tham gia quân sự vào Chiến tranh thế giới thứ II.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm