Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối đầu tại Syria

Ngày thứ năm của chiến dịch “Cành ô liu” trên lãnh thổ Syria, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thời gian qua đã tiêu diệt gần 300 tay súng thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và lực lượng dân quân người Kurd (YPG). Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận không kích phá hủy 214 cứ điểm của YPG. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ còn nói quân đội nước này đã kiểm soát được nhiều khu vực của YPG, lập được “một số vùng an toàn” ở TP Afrin.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết mới chỉ một binh sĩ nước này thiệt mạng trong chiến dịch. Tuy nhiên, nhóm vũ trang Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) với quân chủ lực là các tay súng YPG đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ phóng đại con số thương vong, phủ nhận chuyện có IS trong hàng ngũ. Đại diện SDF cũng tiết lộ đã có hơn 120 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng thuộc nhóm Quân đội tự do Syria (FSA) thương vong.

Điểm nóng Manbij

Điểm nóng thật sự của chiến dịch “Cành ô liu” không hẳn là Afrin mà là Manbij cách đó khoảng 100 km về phía Đông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 24-1 đã một lần nữa tuyên bố chiến dịch sẽ không dừng lại ở Afrin mà mở rộng đến cả Manbij và bờ Đông sông Euphrates. Ông Erdogan xác định hai mục tiêu của chiến dịch là: Tiêu diệt khủng bố và lập vùng an toàn để hơn ba triệu người Syria đang phải tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi hương.

Ông Erdogan chỉ trích Mỹ đã bội ước với Thổ Nhĩ Kỳ khi ủng hộ YPG, vốn bị nước này xem là cánh tay nối dài của lực lượng người Kurd ly khai. Tuần trước, ông Erdogan tuyên bố sẽ tiêu diệt bằng hết YPG ở biên giới sát Thổ Nhĩ Kỳ, bất kể đây là lực lượng Mỹ chống lưng. Lời ông Erdogan là sự đe dọa trực diện với Mỹ. Hai khu vực Manbij và Đông sông Euphrates đang có sự hiện diện của lực lượng đặc biệt mà Mỹ và NATO triển khai với nhiệm vụ huấn luyện các nhóm vũ trang đánh IS.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào một cứ điểm lân cận TP Afrin sau khi chiếm quyền kiểm soát từ lực lượng YPG. Ảnh: AP

Phần lớn trong số 2.000 quân Mỹ ở Syria hiện ở Manbij. Một khi Thổ Nhĩ Kỳ kéo quân tới Manbij, quân đội Mỹ sẽ bị kẹt giữa làn đạn của hai đồng minh tại Trung Đông. Nguy cơ va chạm nóng là không thể phủ nhận. Trả lời hãng tin Reutersngày 24-1 (giờ địa phương), người phát ngôn của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu Ryan Dillon tuyên bố: Liên quân có quyền và cũng không ngần ngại tự vệ trước mọi cuộc tấn công. Trong ngày 24-1, YPG đã điều thêm viện binh đến Manbij sau tuyên bố của ông Erdogan, hãng tinAl-Jazeera cho biết. Hội đồng Quân sự Manbij của YPG tuyên bố đã sẵn sàng phối hợp với liên quân quốc tế đối đầu quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Chúng tôi dĩ nhiên rất quan ngại trước tình hình hiện nay, đặc biệt ở khu vực Manbij vì liên quân đang ở đây. Các lực lượng liên quân ở khu vực này có quyền tự vệ hợp pháp và sẽ thực thi quyền này nếu cần thiết.

Ông RYAN DILLON, người phát ngôn liên quân quốc tế 
do Mỹ dẫn đầu cho biết 

Tổng thống Trump cảnh báo

Căng thẳng gia tăng tại vùng biên giới Syria đã buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm khẩn cấp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào ngày 24-1 (theo giờ Mỹ). Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo việc Thổ Nhĩ Kỳ leo thang xung đột ở các khu vực người Kurd kiểm soát ở Đông Bắc Syria có rủi ro gây phương hại đến mục tiêu chung là tiêu diệt IS.

Tổng thống Mỹ cũng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ giảm leo thang, hạn chế các hành động quân sự và tránh thương vong dân thường. Ông cũng bày tỏ lo ngại về các phát ngôn “tiêu cực và sai lệch từ Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông Trump đã thẳng thắn đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cẩn trọng, tránh mọi hành động có thể dẫn đến xung đột giữa các lực lượng.

Ông Steve Cook, chuyên gia về Trung Đông tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFF) của Mỹ, đánh giá thông điệp của ông Trump cũng như của các quan chức cấp cao khác phía Mỹ thể hiện rõ sự lo lắng về tình hình hiện tại. Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ có thể hủy hoại cuộc chiến đánh IS, cũng như làm xói mòn hy vọng hòa đàm nhằm chấm dứt nội chiến Syria. Dù vậy, lời đề nghị từ phía Mỹ khó có thể lay chuyển được Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Cook nhắc lại rằng Tổng thống Erdogan đã nhiều lần ngó lơ đề nghị của các đời tổng thống Mỹ để ưu tiên các lợi ích nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Như để tăng thêm khả năng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ giảm quy mô chiến dịch, Mỹ ngày 24-1 đã tán thành ý định lập vùng an ninh chung trải dài 30 km vào sâu lãnh thổ Syria tính từ biên giới. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, đề xuất này được chính Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra trong cuộc điện đàm với ông ngày 24-1.

Các tay súng phương Tây ủng hộ người Kurd

Giao tranh biên giới Syria thêm phức tạp khi xuất hiện một nhóm tay súng có quốc tịch các nước phương Tây tham chiến, ủng hộ YPG và đối đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng đồng minh. Ban đầu nhóm tay súng này đến Syria để đánh IS nhưng hiện đã tham gia chiến sự ở Afrin. Theo hãng tin Reuters, trong nhóm tay súng này có nhiều người là công dân Anh, Mỹ, Đức.

Trả lời đài CNN vào năm 2017, nhóm YPG cho rằng đã có khoảng 300 tay súng nước ngoài gia nhập YPG tính từ năm 2014.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm