Mỹ và Triều Tiên đàm phán kín tại Na Uy

“Theo tôi được biết cuộc đối thoại giữa các quan chức chính phủ Triều Tiên và các chuyên gia dân sự của Mỹ đã diễn ra hôm 8-5 tại một khu vực ngoại ô của thủ đô Oslo và sẽ tiếp tục đến ngày 9-5” - hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin cho hay.

Theo Yonhap, phái đoàn Triều Tiên do bà Choe Son-hui, người phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên, dẫn đầu. Yonhap cũng dẫn nguồn tin cho biết trong phái đoàn của Mỹ có bà Suzanne DiMaggio, Giám đốc kiêm nghiên cứu viên cấp cao tại viện nghiên cứu chính sách New America.

Bà Choe Son-hui, người phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Ảnh: YONHAP

Cuộc đàm phán này diễn ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang leo thang căng thẳng với những động thái phóng tên lửa khiêu khích của Triều Tiên hồi tháng trước. Tại Hàn Quốc, người dân nước này hôm nay cũng bắt đầu đi bỏ phiếu chọn ra tổng thống mới, với kỳ vọng về một khởi đầu mới trong mối quan hệ liên Triều.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8-5 khẳng định cuộc hội đàm cấp 2 này giữa quan chức hai nước tại Na Uy không hề có ý nghĩa đặc biệt và hoàn toàn “độc lập với chính quyền Mỹ”. “Các cuộc hội đàm cấp hai được tổ chức thường xuyên với nhiều chủ đề khác nhau và diễn ra độc lập với chính phủ Mỹ” - một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Tuy nhiên theo các nhà quan sát, dựa trên thời điểm cuộc hội đàm này diễn ra, lúc Mỹ vừa bày tỏ mong muốn đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng, cả hai nước sẽ có cơ hội "thăm dò" nhau và mở ra các cuộc đàm phán khác trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuy thường xuyên căng thẳng khi nói về vấn đề Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải gây áp lực nhiều hơn với nước này nhưng gần đây cũng được cho là đã “dịu giọng” lại khi nói rằng ông rất “vinh dự” gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cuộc gặp này sẽ diễn ra “trong một hoàn cảnh thích hợp”.

Một vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS

Tờ Kyodo của Nhật Bản dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết ông Trump đã đưa ra điều kiện để cuộc hội đàm này diễn ra, đó là Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Trong khi đó Bộ Thống nhất của Hàn Quốc hôm thứ 8-5 đã bác bỏ quan điểm cho rằng Triều Tiên đang tìm cách đàm phán với Mỹ mà gạt Seoul sang một bên.

Theo ông Lee Duk-haeng, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cuộc gặp này không có bất kỳ ý nghĩa nào với chính phủ. “Chúng tôi không xem các cuộc đàm phán như vậy có ý nghĩa quan trọng, vì chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ trong các vấn đề liên quan đến hòa bình và ổn định tại bán đảo Triều Tiên” - ông Lee nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 8-5.

Trước đó, một cuộc hội đàm tương tự đã từng được lên kế hoạch diễn ra ở Mỹ vào tháng 3, tuy nhiên, phái đoàn Triều Tiên đã không được chấp thuận cấp thị thực tới Mỹ sau khi một công dân Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị sát hại tại Malaysia hồi tháng 2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm