Mỹ-Trung bước vào chiến tranh lạnh?

Tại các văn phòng chính phủ, các cơ quan tư vấn chính sách (think tank), các trường đại học lẫn các cơ quan thông tin nhà nước ở Mỹ, cuộc tranh luận về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc (TQ) đang diễn ra sôi nổi. Mọi người xoay quanh câu hỏi đâu mới chính là động lực hay lý do thật sự của các hành động leo thang thương mại do Washington đã và đang tạo ra trước một TQ đang ôm “mộng Trung Hoa”.

Đánh thuế chỉ là “lý do khởi đầu”

Căng thẳng Mỹ-TQ bắt đầu từ việc ông Trump chỉ trích các chính sách thương mại không công bằng của Bắc Kinh, trong đó nổi bật là tham vọng “Made in China 2025” của chính quyền Tập Cận Bình - tham vọng thống lĩnh thị trường sản xuất toàn cầu. Ông Trump khởi động bằng một chiến lược đi ngược lại với tự do thương mại của chính quyền tiền nhiệm, “quét” lệnh đánh thuế với hầu hết các đối tác thương mại lớn bất chấp các cảnh báo trả đũa. Tuy nhiên, đến lúc này hầu hết các “mũi tên” mà ông Trump định bắn ra đã được thu lại hoặc tạm hoãn, nổi bật là “đình chiến” với Liên minh châu Âu (EU). Chỉ còn TQ là mục tiêu rõ ràng nhất và toàn diện nhất của Washington.

Các phân tích cho thấy ngay cả khi khoản thuế 10% lên hơn 200 tỉ USD hàng hóa được thông qua thì tổng thuế thu được vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ 0,1% GDP, một con số quá nhỏ so với những bất ổn trong cả nền kinh tế và các mối quan hệ đối tác mà Mỹ có hiện nay. Ngoài ra, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ dự kiến cũng gia tăng sẽ là hệ lụy tiếp theo của chiến tranh thương mại Mỹ-TQ. Nhiều doanh nghiệp và người dân Mỹ cũng chịu áp lực trước các đòn trả đũa của Bắc Kinh, bao gồm cả việc đánh thuế vào một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ hoặc đặt ra các rào cản phi thuế quan khiến hàng hóa Mỹ gặp khó ở các cảng nhập khẩu của TQ.

Với vai trò là nước xuất khẩu lớn, thiệt hại đối với TQ trong trường hợp Mỹ đánh thuế vào danh sách hàng hóa trị giá 200 tỉ USD trên lý thuyết sẽ vào khoảng 1,7% GDP. Tuy nhiên, con số chính xác về thực tế, theo một số chuyên gia phân tích, chỉ là 0,43% GDP bởi phần lớn thiệt hại do doanh nghiệp Mỹ đầu tư sản xuất tại TQ phải chịu. Nếu tính luôn các thiệt hại kéo theo liên quan đến việc giảm xuất khẩu, tổng thiệt hại mà TQ phải chịu có thể vào khoảng 1,12% GDP. Với tốc độ tăng trưởng GDP chiếm khoảng 6,5% hằng năm, mức thiệt hại này Bắc Kinh hoàn toàn có thể chấp nhận được khi nước này vẫn đảm bảo tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế bình quân của thế giới vào khoảng 3,9%.

Mỹ thừa khả năng để có được những dự báo kết quả như thế này. Washington sẽ không kích động chiến tranh thương mại với TQ để thu lại những lợi ích rất nhỏ về mặt tổng thể hoặc chỉ để làm tổn thương TQ ở mức độ không thể làm ông Tập Cận Bình lung lay các quyết sách của mình. Rõ ràng là cần có một lý giải sâu xa hơn phía sau các lệnh đánh thuế mà Washington nhắm vào TQ.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) không chỉ phát động một cuộc chiến thương mại đơn lẻ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: WCCFTECH

Một chiến lược tổng thể nhắm vào Trung Quốc

Nhiều chính trị gia, chuyên gia phân tích thừa nhận rằng phía sau cuộc chiến thương mại là một chiến lược lớn do ông Trump khai sinh và dẫn dắt nhằm ngăn TQ vươn lên trở thành một cường quốc toàn cầu.

He Weiwen, cựu quan chức Bộ Thương mại TQ, hiện là thành viên cao cấp tại Trung tâm TQ và Toàn cầu hóa, nhận định: “Chính quyền Trump đã cho thấy một điều rõ ràng rằng “việc kiểm soát sự phát triển của TQ là lý do sâu xa hơn phía sau các động thái đánh thuế thương mại” của Washington”.

Hơn 20 quan chức, cựu quan chức khác, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nghiên cứu thuộc biên chế của nhà nước, nhà ngoại giao và các biên tập viên thuộc truyền thông nhà nước TQ cũng có cùng nhận định với He Weiwen, theo Bloomberg. Các chuyên gia có cùng nghi ngờ chung: “Thuế quan chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch của chính quyền Trump trong việc ngăn TQ qua mặt Mỹ trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới”. Thậm chí một số người còn bày tỏ lo ngại rằng hai cường quốc này có thể bước vào một cuộc đụng độ lâu dài để tranh giành vị trí đứng đầu thế giới, gợi nhớ đến cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô vào thế kỷ trước.

An Gang, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Pangoal, cho biết chiến tranh thương mại Mỹ-TQ đang khiến nhiều người ở TQ suy nghĩ liệu một cuộc chiến tranh lạnh mới có phải đã bắt đầu hay không. Vị này nói thêm, cuộc đụng độ thương mại đã mang lại những hàm ý về chiến lược lẫn quân sự. Điều này phản ánh mối quan ngại của nhiều người tại TQ rằng căng thẳng thương mại Mỹ-TQ có thể lấn sang các vấn đề Đài Loan, biển Đông và Triều Tiên.

Nhận định này hoàn toàn phù hợp với động thái mới đây của Mỹ. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 vừa được Thượng viện Mỹ thông qua chứa đựng rất nhiều chính sách trực tiếp nhắm vào TQ. Trong đó nổi bật là việc cung cấp tài chính cho 14 hành động cứng rắn đối với TQ, điển hình là việc xây dựng chiến lược rõ ràng về TQ và bắt buộc báo cáo lại cho Quốc hội; tăng cường khả năng sẵn sàng của lực lượng phòng vệ Đài Loan; nâng cấp Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á cũ để bao trùm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; giới hạn kinh phí tài trợ cho các chương trình tiếng phổ thông TQ; yêu cầu báo cáo thường niên cho Quốc hội về các hoạt động quân sự, hàng hải và hàng không của TQ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm