Năm làm mưa làm gió của các nguyên thủ nước lớn

Năm 2016 là một năm đầy biến động của chính trường thế giới với những gam màu sáng tối lẫn lộn: Từ các điểm nóng Trung Đông như chiến trường Syria hay cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq đến những cuộc bầu cử với kết cục đầy bất ngờ tại Anh và sau đó là tại Mỹ… Chỉ còn ít ngày nữa là thế giới bước sang năm 2017, chân dung những “kẻ thắng người thua” sau một năm 2016 không bình yên cũng đã hiện rõ.

Quà sớm cho ông Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào năm 2016 với hai cuộc chiến lớn. Cuộc chiến thứ nhất của ông Putin chính là chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, đáp lại lời đề nghị của chính phủ Tổng thống Bashar al’Assad, nhằm đập tan các lực lượng khủng bố bao gồm cả tổ chức IS lẫn phe phiến quân chống chính phủ. Cuộc chiến thứ hai của ông Putin chính là các lệnh trừng phạt, bao vây và không khí căng thẳng cả về kinh tế lẫn chính trị mà Mỹ và nhiều nước đồng minh áp đặt lên nước Nga. Khi năm 2016 bước đến những ngày cuối cùng, dễ dàng nhận ra nhà lãnh đạo Nga đều đang thắng thế trên cả hai cuộc chiến quan trọng này.

Tại chiến trường Syria, kể từ sau những đợt không kích đầu tiên của các chiến đấu cơ Nga vào ngày 30-9 nhắm vào phiến quân tại Homs và lực lượng IS gần TP Raqqa, chiến dịch quân sự của Tổng thống Putin tại đất nước Trung Đông đã có được những bước tiến rất lớn với mục tiêu tái chiếm TP Aleppo được hoàn thành trước năm 2017. Theo ông Andrew Tabler, chuyên gia thuộc Viện Chính sách Cận Đông (Washington), lực lượng của Tổng thống Assad giờ đây đã nắm trong tay toàn bộ TP lớn của Syria là Aleppo, Damascus, Homs và Hama. Trong giai đoạn kế tiếp, phiến quân sẽ bị dồn vào những vùng ít ý nghĩa chiến lược hơn và buộc phải đánh du kích, tờ The Atlantic nhận định. “Dù lực lượng phiến quân thề sẽ tiếp tục chiến đấu nhưng khi không còn Aleppo và với ông Donald Trump tại Nhà Trắng, gần như chẳng còn hy vọng nào để họ đánh bại nổi ông Assad” - nghiên cứu viên Aron Lund thuộc quỹ Cangerie đánh giá.

Không những liên tiếp thắng như chẻ tre tại Syria, nước Nga kết thúc 2016 cũng dần nới lỏng được vòng vây chính trị-kinh tế áp đặt bởi Mỹ và các đồng minh kể từ sau khi xung đột bùng nổ ở miền Đông Ukraine và sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Trước tình trạng kinh tế ảm đạm, cũng như các hệ quả tiêu cực trong cắt giảm thương mại với Nga, nhiều quốc gia châu Âu đã suy giảm quyết tâm nối dài cấm vận kinh tế với Nga. Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) ngày 15-12 đã quyết định gia hạn lệnh cấm vận đến tháng 7-2017, nhiều quốc gia thành viên như Ý, Hy Lạp, Hungary và Cộng hòa Czech đã bày tỏ mong muốn sớm chấm dứt các biện pháp trừng phạt lợi bất cập hại này.

Tờ New York Times bình luận EU đang đứng trước khả năng không thể tiếp tục duy trì một “mặt trận thống nhất” để đối đầu lại với Nga. Tại Mỹ và các quốc gia dẫn đầu trong việc trừng phạt và gây sức ép kinh tế-chính trị với Moscow, diễn biến chính trị nội bộ đều đang diễn ra theo hướng có lợi hơn cho ông Putin. Trước tiên là thắng lợi của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ông Trump đã có nhiều lời khen dành cho nhà lãnh đạo Nga, cũng như đã bổ nhiệm nhiều thành viên cho nội các mới có quan hệ tốt với Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức họp báo cuối năm vào ngày 23-12 sau một năm 2016 đầy những thắng lợi. Ảnh: REUTERS

Giấc mộng dở dang của Obama

Ông Obama bước vào năm 2016 với liên tiếp những dấu ấn tích cực. Ông Obama đi vào lịch sử với thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba sau gần một thế kỷ thù địch. Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP cũng được đại diện các nước ký kết vào tháng 2-2016 và chỉ còn chờ viên gạch cuối cùng là những quyết định phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Cơn ác mộng chiến tranh hạt nhân tại Trung Đông cũng được hóa giải với thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran. Về đối nội, các chỉ số về thất nghiệp và bảo hiểm an sinh xã hội đều đầy lạc quan. Ông Obama cũng thành công đưa ra sắc lệnh hành pháp tăng cường kiểm soát sử dụng súng cá nhân tại Mỹ, thu hút thêm các tranh luận tại Quốc hội Mỹ.

Với thất bại của bà Hillary Clinton trước ông Trump, di sản của ông Obama không những mất đi người kế thừa lý tưởng nhất mà còn đứng trước nguy cơ bị làm suy yếu hoặc thậm chí xóa sổ. Tương lai của một loạt chính sách dưới thời Tổng thống Obama bị đặt dấu hỏi. Liên tiếp là các tuyên bố gây sốc của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tỉ phú New York tuyên bố điều đầu tiên ông thực hiện sau khi nhậm chức là rút khỏi TPP. Ông liên tục chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran là một “thảm họa”. Trump cũng đòi hỏi việc gỡ bỏ các cấm vận mà Mỹ áp đặt với Cuba cần phải có “những thỏa thuận tốt hơn”, hứa hẹn những sức ép lớn hơn vào các chính sách nội bộ của Cuba để mặc cả.

Những giấc mơ của ông Obama bỗng chốc đứng trước nguy cơ dang dở sau tám năm trời dốc hết tâm sức để lèo lái con thuyền nước Mỹ. Không những thế, kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cũng cho thấy một thực tế bất ngờ, rằng nước Mỹ mà Tổng thống Obama để lại sau khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ là một nước Mỹ chia rẽ. Xã hội Mỹ giờ đầy những rối ren với sự phẫn nộ của người da màu trước tình trạng lạm dụng vũ lực của cảnh sát, lo lắng về an ninh với những vụ xả súng liên tiếp có dính líu đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Người dân đánh mất niềm tin vào những thiết chế chính trị tại Mỹ, cho rằng những chính trị gia và báo chí bị thâu tóm bởi những nhóm lợi ích và chỉ biết lừa dối. Họ mệt mỏi trước những hứa hẹn và đòi hỏi sự mới mẻ tại Nhà Trắng. Những sợ hãi và giận dữ về tình hình kinh tế của nước Mỹ, về vị thế của nước Mỹ trên chính trường thế giới dường như đã che mờ đi những hy vọng lạc quan từng mang lại chiến thắng cho đảng Dân chủ tám năm trước.

Bóng ma khủng bố ám ảnh thế giới

Mở đầu là vụ đánh bom kép tại sân bay và ga tàu điện ngầm ở TP Brussels, Bỉ hôm 22-3 khiến 38 người chết. Hồi tháng 6-2016, đã có 50 người thiệt mạng và 53 người bị thương trong vụ xả súng tại quán bar của người đồng tính ở Orlando, bang Florida, Mỹ. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất đồng thời là vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất ở Mỹ kể từ sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9.

Mới đây, vào tối 19-12, một vụ tấn công bằng xe tải ở chợ Giáng sinh thủ đô Berlin, Đức đã khiến 12 người thiệt mạng và 48 người khác bị thương. Vụ khủng bố tại chợ Giáng sinh Berlin khiến nhiều người nhớ đến vụ khủng bố “xe điên” ở TP Nice, Pháp đêm 14-7. Một chiếc xe tải đã lao vào đám đông đang theo dõi pháo hoa nhân ngày Quốc khánh Pháp khiến 86 người chết và hơn 400 người bị thương. Nghi phạm là một người đàn ông người Pháp gốc Tunisia và đã bị tiêu diệt tại hiện trường.

Trước việc “sói đơn độc” tràn lan và khó kiểm soát, hàng loạt nước châu Á như Indonesia, Singapore, Thái Lan… đã được đặt trong tình trạng báo động trước lễ Giáng sinh và năm mới. Trước đó, cảnh sát Úc và Indonesia cho biết đã phá tan nhiều âm mưu đánh bom khủng bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm