Tướng Nga lo Mỹ tấn công hạt nhân bất ngờ

RT đưa tin phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 26-4, Trung tướng Viktor Poznikhir, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến chủ lực Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, cho rằng có mối liên hệ rõ ràng giữa chương trình Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS) của Mỹ với việc triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở châu Âu và triển khai tàu hải quân trên toàn cầu. Chương trình PGS của Mỹ là chương trình nhằm tìm kiếm khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở bất cứ đâu trên thế giới chỉ trong một giờ đồng hồ.

“Sự hiện diện của các căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, tàu phòng thủ tên lửa ở các biển và đại dương gần Nga chỉ là để che đậy cho mục đích tiến hành tấn công tên lửa hạt nhân đột ngột nhằm vào Liên bang Nga” - ông Poznikhir nhận định.

Binh sĩ Mỹ đứng cạnh khẩu đội pháo chống tên lửa đạn đạo Patriot. Ảnh: REUTERS

Mặc dù Mỹ luôn tuyên bố rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này đang tìm cách giảm thiểu các mối đe dọa từ các quốc gia thù địch nhưng kết quả của các cuộc phô mỏng trên máy tính khẳng định rằng Lầu Năm Góc đang nhắm tới Nga và Trung Quốc, theo ông Poznikhir.

“Tấn công bất ngờ vào các lực lượng hạt nhân chiến lược là Nga và Trung Quốc sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ” - ông Poznikhir nói thêm.

Hệ thống ABM của Mỹ không chỉ tạo ra “ảo tưởng” về sự an toàn trước một cuộc tấn công trả đũa mà bản thân hệ thống có thể được sử dụng để phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Nga. Theo ông Poznikhir, Mỹ đã vi phạm trắng trợn hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung và tầm ngắn khi ngấm ngầm trang bị tên lửa hành trình Tomahawk cho hệ thống ABM thay vì tên lửa đánh chặn nhưng Lầu Năm Góc đã phủ nhận sự thật này.

Hơn nữa, việc Washington đơn phương rút khỏi hiệp ước tên lửa chống tên lửa đạn đạo, ký năm 1972 với Liên Xô, cho phép nước này có thể phát triển thêm nhiều vũ khí hiện đại hơn. Điều này không chỉ đe dọa các mục tiêu trên đất liền mà còn trên không trung.

“Vào tháng 2-2008, Lầu Năm Góc đã chứng tỏ khả năng tấn công tàu vũ trụ bằng khả năng ABM của nước này. Một vệ tinh Mỹ ở độ cao khoảng 250 km bị phá hủy bởi một tên lửa Standard-3 được phóng từ một tàu khu trục của hải quân Mỹ. Với tính chất toàn cầu của ABM, các hoạt động trong không gian của Nga và Trung Quốc đang bị đe dọa” - ông Poznikhir khẳng định.

Nga đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về rủi ro mà hệ thống ABM của Mỹ có thể mang tới cho cán cân quyền lực toàn cầu và cho cả hòa bình, ổn định thế giới.  “Trong khuôn khổ hợp tác, chúng tôi đã đề xuất chung tay phát triển một cấu trúc phòng thủ tên lửa cho châu Âu, vốn có thể đảm bảo an ninh trước các tác động của tên lửa đạn đạo phi chiến lược. Tuy nhiên, mọi sáng kiến của Nga đều bị bác” - vị tướng Nga nói. Ông kêu gọi Washington tham gia đối thoại mang tính xây dựng thay vì liên tục lặp lại rằng hệ thống ABM không nhằm phá hoại an ninh quốc gia của Nga hay Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm