Ngân hàng Thế giới: Tỉ lệ 'nghèo đói cùng cực' thấp kỷ lục

Hôm qua (5-10), WB thông báo rằng số người phải sống trong tình cảnh nghèo đói cùng cực năm 2015 rất có thể sẽ lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 10% dân số thế giới sau khi cơ quan này thay đổi tiêu chuẩn đánh giá vấn đề.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim khẳng định: “Đây là câu chuyện tuyệt vời nhất trên thế giới ngày hôm nay. Những dự báo này cho thấy rằng chúng ta là thế hệ đầu tiên trong lịch sử nhân loại có thể chấm dứt nghèo đói cùng cực”.
Tình cảnh nghèo đói cùng cực lâu nay vẫn được xác định là sống bằng hoặc dưới mức 1,25 USD/ngày nhưng theo điều chỉnh mới của WB thì chuẩn nghèo hiện tại là 1,9 USD/ngày.

Cơ quan này cho biết việc thay đổi đã tính đến những dữ liệu mới dựa trên khác biệt về chi phí sinh hoạt khắp các quốc gia trong khi vẫn giữ nguyên sức mua thực tế theo tiêu chuẩn cũ.

 Người nghèo Ấn Độ bắt cá tại một khu ổ chuột. Ảnh: THE GUARDIAN

Áp dụng tiêu chuẩn đánh giá mới, WB ước tính có khoảng 702 triệu người, tương đương 9,6% dân số thế giới phải sống trong tình cảnh “nghèo đói cùng cực”, thấp hơn so với mức 902 triệu người hay 12,8% dân số toàn cầu năm 2012.
Định chế cho vay vốn phát triển toàn cầu này cho rằng thành tựu liên tục trong công tác giảm nghèo có được là nhờ tỉ lệ tăng trưởng kinh tế vững chắc tại các thị trường mới nổi, trong đó có Ấn Độ và các khoản đầu tư cho giáo dục, y tế và mạng lưới phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, ông Jim Yong Kim cũng cảnh báo việc tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các thị trường tài chính bất ổn, xung đột vũ trang, tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và tác động của biến đổi khí hậu là những thách thức mà Liên Hiệp Quốc phải đối mặt để hoàn thành mục tiêu chấm dứt nghèo đói toàn cầu vào năm 2030. 
Đây chính là một phần trong những mục tiêu phát triển mới đã được 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thông qua tháng trước. Ngoài ra, khả năng các nền kinh tế mới nổi hụt hơi cũng sẽ là thách thức với các cam kết xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, người đứng đầu WB vẫn tự tin cho rằng: “Mục tiêu đó vẫn nằm trong tầm tay chúng ta, chỉ cần chúng ta có quyết tâm cao kèm theo chiến lược của các nước nhằm giúp đỡ hàng triệu người vẫn đang sống trong tình cảnh nghèo đói cùng cực”.
Theo định chế tài chính toàn cầu này, khoảng một nửa số người chịu cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2020 sẽ được sinh ra tại các quốc gia yếu thế khó tiếp cận và chịu tác động của xung đột. Khu vực Hạ Sahara của châu Phi sẽ chiếm một nửa số người nghèo toàn cầu.
Laurence Chandy, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu Brookings chuyên về nghèo đói toàn cầu, cho rằng: “Nếu tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển trong 15 năm qua là điều bất thường, là một điểm sáng bất chợt thì giờ đây chúng ta sẽ gặp khó khăn. Còn không, nếu đó là một điều bình thường tốt đẹp thì giờ đây chúng ta có cơ hội tuyệt vời để đến gần với mục tiêu này”.
WB lần đầu tiên đưa ra chuẩn nghèo toàn cầu vào năm 1990 với mức 1 USD/ngày. Lần điều chỉnh gần đây nhất là vào năm 2008 với việc tăng mức đánh giá lên 1,25 USD/ngày.
Theo Liên Hiệp Quốc, tính trên khắp hành tinh, số người sống trong tình cảnh nghèo đói cùng cực đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1990. Thời điểm đấy, có đến 1,9 tỉ người sống dưới mức 1,25 USD/ngày, trong khi con số của năm 2015 là 836 triệu người.
Kết quả này có được sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ năm 2000, bao gồm mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Thay thế cho các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ giờ đây là các mục tiêu phát triển bền vững, nhóm 17 mục tiêu nhằm chống đói nghèo, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu đến năm 2030, trong đó chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực cho tất cả người dân ở mọi nơi là mục tiêu then chốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm