Ngoại trưởng Venezuela từ chức sau đối đầu 12 nước OAS

Một ngày sau trận đối đầu dữ dội với 12 nước châu Mỹ thuộc Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez ngày 21-6 từ chức. Tuy nhiên đây có vẻ không phải là một quyết định trừng phạt của Tổng thống Nicolas Maduro, mà có thể xem là một sự cất nhắc hay "lùi để tiến" khi lý do từ chức của bà Rodriguez là để chạy đua một ghế trong Hội đồng Lập hiến sẽ được bầu vào ngày 30-7 tới.

Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp OAS ngày 20-6 tại Mexico. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp OAS ngày 20-6 tại Mexico. Ảnh: REUTERS

Hội đồng Lập hiến được xem là một cơ quan siêu quyền lực, có nhiệm vụ viết lại hiến pháp và có quyền cao hơn các cơ quan khác. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho rằng việc lập Hội đồng Lập hiến viết lại hiến pháp là cần thiết để mang lại hòa bình cho nước này sau gần ba tháng biểu tình khiến 75 người chết. Tuy nhiên theo phe đối lập, động thái này chỉ nhằm giữ quyền lực cho ông Maduro dù uy tín đang xuống thấp.

“Bà ấy thật sự xứng đáng được cả nước thừa nhận (tài năng) vì đã bảo vệ chủ quyền, hòa bình và độc lập Venezuela như loài hổ. Chúc mừng bà! Làm rất tốt!” - thông tin bà Rodriguez rời nhiệm sở được chính Tổng thống Maduro thông báo trên truyền hình quốc gia, cùng với lời khen ngợi. Thay thế bà Rodriguez là Thứ trưởng Samuel Moncada.

Các nghị sĩ Venezuela đối lập biểu tình tại kỳ họp đại hội đồng OAS thứ 47 ở Mexico ngày 21-6. Ảnh: REUTERS

Các nghị sĩ Venezuela đối lập biểu tình tại kỳ họp đại hội đồng OAS thứ 47 ở Mexico ngày 21-6. Ảnh: REUTERS

Trong ngày họp 20-6 của OAS, Mỹ, Brazil cùng 10 nước khác trong tổng số 34 thành viên của OAS cùng viết thư cáo buộc Venezuela hủy hoại dân chủ, không chăm lo đời sống người dân cũng như vi phạm nhân quyền. Bà Rodriguez đã phản pháo dữ dội, chỉ trích các nước muốn kích động nội chiến ở Venezuela, cáo buộc OAS là công cụ ngoại giao của Mỹ, đe dọa rút tư cách thành viên của Venezuela.

Trong ngày họp cuối cùng 21-6 của OAS, Mỹ, Mexico cùng nhiều nước châu Mỹ khác vẫn không từ bỏ nỗ lực vận động OAS lên án chính phủ Venezuela. Trước đó, 34 nước OAS đã không thể thông qua nghị quyết lên án Venezuela vì thiếu mất ba phiếu ủng hộ - chỉ được 20/34 phiếu trong khi tối thiểu phải là 23/34 phiếu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm