Nhà nước Hồi giáo đánh bom Bangladesh

Một vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng đã xảy ra sáng 24-10 ở thủ đô Dhaka (Bangladesh) làm một thiếu niên 14 tuổi thiệt mạng và gần 80 người bị thương.

Lần đầu tiên dòng Shiite bị tấn công

Vụ tấn công khủng bố xảy ra tại đền thờ Hồi giáo Hussaini Dalan vào lúc các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite tập hợp thành đoàn rước nhân lễ Ashura. Lễ được tổ chức vào ngày thứ 10 của tháng Muharram (tháng đầu tiên theo lịch Hồi giáo) để ghi nhớ ngày tử vì đạo của Husayn ibn Ali, cháu tiên tri Muhammad.

Trung tâm theo dõi các trang web Hồi giáo cực đoan SITE (Mỹ) thông báo tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm vụ nổ bom ở Bangladesh. Chúng cho biết “các chiến binh Nhà nước Hồi giáo Bangladesh” đã đánh bom vì “bọn thờ thuyết đa thần”.

AFP dẫn nguồn từ cảnh sát Dhaka cho biết ba quả bom phát nổ bên trong đền thờ Hussaini Dalan vào lúc gần 20.000 tín đồ ở trong và ngoài đền thờ. Sau đó cảnh sát đã tìm thấy hai quả bom chưa nổ. Chúng trông giống lựu đạn, có chứa nhiều viên bi. Đa số người bị thương do trúng mảnh bom nhưng không ai bị thương nghiêm trọng. Bốn nghi can đã bị bắt.

Đây là lần đầu tiên cộng đồng Hồi giáo Shiite ở Bangladesh bị Nhà nước Hồi giáo tấn công. Vài tuần trước đã xảy ra vụ một người Nhật và một người Ý bị sát hại ở Bangladesh và Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, thủ tướng và bộ trưởng Nội vụ Bangladesh đều bác bỏ giả thiết Nhà nước Hồi giáo là thủ phạm.

Cấp cứu người bị thương trong vụ nổ bom ở Bangladesh ngày 24-10. Ảnh: AFP

Bốn ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Saudi Arabia và Nga (từ trái sang) tham dự hội đàm ở Vienna ngày 23-10. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO NGA

Xúc tiến đối thoại chính trị ở Syria

Trong khi đó, tại khách sạn Imperial ở thủ đô Vienna (Áo) ngày 23-10 (giờ địa phương), sau hai tiếng thảo luận, các ngoại trưởng nhóm ba nước đồng minh Mỹ, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngoại trưởng Nga đã đạt được thỏa thuận quan trọng rằng chỉ có đối thoại chính trị mới giải quyết khủng hoảng Syria.

Hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin sau hội đàm, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông báo bốn nước nhất trí tiếp tục theo đuổi các mục đích chung gồm chấm dứt chiến tranh ở Syria, đấu tranh chống khủng bố hiệu quả hơn và thúc đẩy tiến trình chính trị dựa trên các nguyên tắc nêu trong thông cáo Genève ngày 30-6-2012.

Thông cáo Genève ngày 30-6-2012 quy định mọi cải tổ chính trị phải được thực hiện trong khuôn khổ đối thoại rộng rãi bao gồm mọi tầng lớp xã hội của Syria cũng như chính quyền và phe đối lập, mọi quyết định phải được thông qua trên cơ sở đồng thuận.

Ngoại trưởng Nga cho biết nhóm các nước theo dõi tình hình Syria có thể được mở rộng với khoảng 12 nước thành viên và tổ chức. Lý do mở rộng vì Nga cho rằng bốn nước tham dự hội đàm không thể hỗ trợ hiệu quả cho tiến trình đàm phán ở Syria.

Nhóm này cần bao gồm các nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Liên minh châu Âu, Đức và các nước then chốt trong khu vực gồm Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập, Jordan. Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cũng có thể tham gia.

Tổng thống Syria vẫn cầm quyền

Trước thông tin cho rằng bốn nước hội đàm ở Vienna nhằm mục đích dàn xếp để Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra đi, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định đó là thông tin dối trá.

Ông nhấn mạnh: “Nếu chú trọng lật đổ chế độ cầm quyền và tấn công nhà lãnh đạo, chúng ta sẽ lại chứng kiến kịch bản như ở Iraq và Libya. Chúng ta đã biết rõ hậu quả xảy ra. Khủng hoảng sâu rộng sẽ xảy ra trên cả nước”.

Sau hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá cao hội đàm bốn bên ở Vienna. Ông thông báo lần hội đàm tới sẽ diễn ra từ ngày 30-10. Ông cho rằng Iran có thể tham gia tiến trình đàm phán về Syria.

Ông cho biết giữa Nga và ba nước tham dự hội đàm vẫn còn khác biệt về tiến trình xây dựng chính quyền quá độ ở Syria. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đánh giá Tổng thống Bashar al-Assad không có chỗ trong chính quyền quá độ ở Syria.

Trong khi đó, quan điểm của Nga là ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và toàn bộ phe đối lập Syria trong và ngoài nước cùng ngồi vào bàn đàm phán.

Nga sẵn sàng giúp quân nổi dậy Syria

Trước hội đàm bốn nước, cùng ngày 23-10 tại Vienna, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã hội đàm với người đồng cấp Jordan Nasser Judeh.

Tại cuộc họp báo chung, ngoại trưởng Nga thông báo Nga và Jordan đã nhất trí phối hợp quân sự ở Syria. Ông cho biết hai bên sẽ lập một cơ chế phối hợp chống Nhà nước Hồi giáo đặt tại thủ đô Amman (Jordan).

Ngoại trưởng Nasser Judeh nhấn mạnh “cần thiết phải phối hợp chặt chẽ với các bạn Nga, nhất là giữa hai quân đội”. Ông mong muốn cơ chế hợp tác này sẽ “hiệu quả trong công cuộc chống khủng bố ở Syria và hơn thế nữa”.

Nga đã mời Mỹ, Saudi Arabia và các nước khác tham gia cơ chế phối hợp Nga-Jordan.

AFP ghi nhận Nga và Jordan bắt tay nhau chống khủng bố là sự kiện rất đáng ngạc nhiên bởi Jordan là đồng minh của Mỹ và đã tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ đứng đầu.

Ngày 24-10, phát biểu trên đài truyền hình Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov thông báo không quân Nga sẵn sàng yểm trợ cho quân nổi dậy yêu nước ở Syria, bao gồm tổ chức Quân đội Tự do Syria (quân nổi dậy Syria được phương Tây hậu thuẫn) để đánh Nhà nước Hồi giáo.

Ông cũng nói đã đến lúc chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống và Quốc hội ở Syria.

- Cơ quan tình báo Iraq thông báo khủng bố Nhà nước Hồi giáo đang sản xuất gần 30.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ các giếng dầu đã chiếm ở Iraq và Syria. Hãng tin Tasnim (Iran) đưa tin dầu thô là nguồn thu chủ yếu của Nhà nước Hồi giáo. Chúng thu được mỗi ngày 2-3 triệu USD từ tiền bán dầu thô. Giá bán rất rẻ, 10-35 USD/thùng vào lúc giá dầu trên thị trường thế giới khoảng 50 USD/thùng. Người mua là bọn buôn lậu dầu thô.

- Theo hãng tin Sputnik (Nga), phát biểu tại hội nghị hằng năm của CLB thảo luận quốc tế Valdai (diễn đàn của các chuyên gia quốc tế) hôm 22-10 tại Sochi (Nga), Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho biết Nhà nước Hồi giáo đã tích lũy được 30 tỉ USD.

- Ngày 23-10, Tổng thống Obama đã quyết định bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Brett McGurk giữ chức đặc phái viên mới của Mỹ tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo. Ông Brett McGurk là nhân vật thứ hai trong liên minh, lên thay tướng John Allen về hưu. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo từ nay tướng Sean B. MacFarland sẽ tập trung chỉ huy các chiến dịch ở Iraq và Syria chứ không còn ba tướng riêng rẽ như trước.

- Cùng ngày 23-10, tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo quân đội Mỹ có thể tham gia các chiến dịch trên bộ đánh Nhà nước Hồi giáo ở Iraq giống như chiến dịch giải cứu 70 con tin trong nhà tù của Nhà nước Hồi giáo gần Hawijah hôm 22-10.

- Trong chiến dịch này, trung sĩ nhất Joshua Wheeler, 39 tuổi thuộc đặc nhiệm Delta bị thương và sau đó tử vong. Đây là lần đầu tiên lực lượng đặc nhiệm Mỹ trực tiếp tham chiến đánh Nhà nước Hồi giáo ở Iraq thay vì trước nay chỉ làm công tác cố vấn và huấn luyện. Ông Ashton Carter nhắc lại phi vụ đặc nhiệm Mỹ đột kích tiêu diệt tên Abu Sayyaf (Nhà nước Hồi giáo) hôm 16-5 ở Syria và ca ngợi lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm