Nội các ông Trump: Kẻ ở, người phải đi

Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump vừa có hành động can thiệp vào nội các của chồng, một diễn biến mà CNN cho là quá bất ngờ khi trước nay bà luôn có hình ảnh khép kín. Theo CNN, bà Trump là vị đệ nhất phu nhân bí ẩn nhất thời hiện đại.

Bà Trump bất ngờ lên tiếng

Theo những gì truyền thông Mỹ đưa tin đồng loạt ngày 13-11 thì nhân vật đầu tiên sẽ ra đi là nữ Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mira Ricardel. Ngày 13-11, văn phòng Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump ra tuyên bố rằng bà Ricardel “không xứng đáng phục vụ trong Nhà Trắng”. Phần lớn quan chức Nhà Trắng cho biết đều sửng sốt với tuyên bố của văn phòng bà Trump. Theo nguồn tin của CNN thì cả Tổng thống Donald Trump, ông Kelly lẫn người phát ngôn Nhà Trắng đều không lường trước chuyện này.

Tuyên bố không nói lý do tại sao bà Trump muốn bà Ricardel ra đi nhưng Reuters dẫn một số nguồn tin quan chức Mỹ rằng lý do liên quan đến cách bà Ricardel tổ chức chuyến đi châu Phi của bà Trump hồi tháng 10. Theo nguồn tin, bà Trump đã yêu cầu chồng sa thải bà Ricardel sau khi chuyến đi châu Phi không thành công và ông Trump đã hứa với vợ điều này.

Hai nhân vật tiếp theo là Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Kirstjen Nielsen và Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Bà Nielsen là người được ông Trump chọn thay vị trí Bộ trưởng An ninh nội địa của ông Kelly khi ông Kelly vào Nhà Trắng làm chánh văn phòng. Bà Nielsen ngồi vào ghế bộ trưởng An ninh nội địa dưới sự đảm bảo của ông Kelly trong thời gian chờ chính thức xác nhận vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Reuters thì ông Trump ngày càng bất mãn với bà Nielsen trong việc tăng cường an ninh biên giới với Mexico. Ông Trump quyết định thay bà Nielsen nhưng chưa quyết chính xác thời gian, một phần lý do vì chưa tìm được người thay thế.

Bản thân quan hệ giữa ông Kelly với ông Trump không được suôn sẻ. Theo New York Times, sa thải bà Nielsen là một cách để đẩy ông Kelly ra khỏi Nhà Trắng mà không cần ông Trump phải trực tiếp ra tay. Vị trí trống này khả năng lớn sẽ thuộc về ông Nick Ayers, Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Mike Pence. Nhân vật này được lòng con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner và cả con trai lớn Donald Trump Jr. của ông Trump.

Quan chức Nhà Trắng nói với NBC News rằng bà Trump cũng có vai trò trong chuyện đi ở của ông Kelly. Đầu năm 2018, bà Trump từng nói với chồng rằng ông Kelly liên tục từ chối yêu cầu thăng chức cho một số trợ lý của bà dù vẫn thăng chức cho nhân viên của mình. Sau khi nghe vợ phàn nàn, ông Trump đã chỉ đạo ông Kelly thực hiện yêu cầu của bà Trump. Tuy nhiên, văn phòng bà Trump khẳng định với CNBC rằng giữa hai người “không hề có xung đột”.

Nhiều nhân vật trong nội các ông Trump đã và sẽ ra đi. Ảnh: BUSINESS INSIDER

Ai ở lại, ai ra đi?

Các diễn biến trên có thể nằm trong đợt biến động nội các của chính phủ Trump sau bầu cử giữa kỳ nhằm chuẩn bị tư thế tốt nhất cho hai năm cuối nhiệm kỳ. Theo thống kê của Viện Chính sách Brooking (Mỹ), biến động nhân sự nội các chính phủ Trump lớn hơn nhiều nội các của các chính phủ tiền nhiệm Obama, Bush, Clinton trong cùng thời gian hai năm đầu nhiệm kỳ.

Ít nhất sẽ có sáu thành viên nội các Mỹ có thể phải ra đi trong đợt biến động này. 

Qua phỏng vấn gần chục đương kim và cựu quan chức chính phủ ông Trump, Politico tính toán có thể có tới gần chục thành viên nội các Trump sẽ ra đi trong đợt biến động này. Phát pháo đầu tiên trong đợt biến động này là việc Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ra đi ngày 7-11, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi bầu cử có kết quả đảng Cộng hòa mất kiểm soát tại Hạ viện. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tháng trước đã thông báo sẽ rời chức vụ này vào cuối năm nay.

Danh sách các nhân vật dự kiến sẽ ra đi tới đây còn có Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Theo CNN, năm thứ hai nhiệm kỳ ông Trump, hai ông ít trao đổi hẳn đi so với năm đầu tiên. Tương lai ông Mattis được bàn tán sau khi ông Trump đề cập trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9 rằng ông Mattis là “một dạng người của đảng Dân chủ” và “có thể ra đi”.

Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke cũng có thể sẽ ra đi trong đợt này. Một trong những lý do chính là do ông Zinke đang đối mặt điều tra của Bộ Tư pháp. Có đồn đoán ông Zinke có thể an toàn nhờ có quan hệ tốt với ông Trump. Tuần trước ông Trump nói ông Zinke “đang làm rất tốt” nhưng vẫn cho biết sẽ quan sát cuộc điều tra ông Zinke. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cũng nằm trong danh sách sẽ ra đi, truyền thông Mỹ đưa tin tuần trước.

Các vị trí Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry, Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue, Bộ trưởng Giao thông Elane Chao, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos… tới thời điểm này vẫn tạm an toàn. Một nhân vật nữa được cho là an toàn trong mùa xáo trộn nội các này là Ngoại trưởng Mike Pompeo. Theo nguồn tin của CNN thì ông Pompeo đang được xem là nhân vật được xếp cao nhất trong nội các, là cánh tay phải của ông Trump, sẽ là người hòa giải các bất đồng giữa Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và các thành viên nội các khác.

Đấu đá và phe phái nội bộ Mỹ

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ricardel gặp chuyện khi cấp trên và cũng là đồng minh của bà, Cố vấn an ninh quốc gia Bolton tháp tùng Phó Tổng thống Pence công du châu Á. Bà Ricardel là chỗ dựa chính của ông Bolton tại Hội đồng An ninh quốc gia.

Hai bộ đôi Kelly-Neilsen và Bolton-Ricardel có vẻ kình địch nhau. Theo WSJ, trong khi sa thải bà Ricardel là mục tiêu lâu nay của ông Kelly thì ông Bolton lại là người vận động sa thải bà Nielsen. Bộ đôi Bolton-Ricardel có mâu thuẫn lớn với ông Mattis. Bộ đôi này đã cố gắng ngăn cản ông Mattis tuyển dụng vào Bộ Quốc phòng các nhân vật có bất đồng với ông Trump hoặc bà cho là không trung thành với ông Trump. Một số đương kim và cựu quan chức Mỹ cho biết trong việc vận động để ông Mattis ra đi có bàn tay của ông Bolton.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm