Nối giáo cho giặc

Cho đến khi Cơ quan Kiểm toán chính phủ (GAO) nhảy vào mới phát hiện 1/3 số vũ khí này không biết trôi dạt về đâu và rất có thể phần lớn lọt vào tay Taliban.
Sự kiện sau đây xảy ra hồi cuối tháng 4 vừa qua ở Afghanistan chứng minh rằng chuyện để vũ khí lọt vào tay kẻ thù không phải là sản phẩm của tưởng tượng.

Nối giáo cho giặc ảnh 1
Nhiều vũ khí Mỹ cung cấp cho quân đội Afghanistan lọt vào tay phiến quân Taliban. Ảnh: REUTERS

Đêm nọ, một trung đội Mỹ nằm trong bóng đêm phục kích lính Taliban. Trung đội này thuộc đại đội B đã chiến đấu ở khu vực gần biên giới Pakistan gần một năm và 11 đồng đội của họ đã chết hay bị thương nặng. Khi quân Taliban kéo tới, lính Mỹ dùng tiểu liên và lựu đạn tấn công tiêu diệt khoảng một chục tên. Và họ đã phát hiện một sự thật bẽ bàng.


Đạn Mỹ giết lính Mỹ


Kiểm kê 30 băng đạn của chiến binh Taliban, họ phát hiện ít nhất 17 băng chứa đạn đóng tem của các nhà cung cấp Mỹ ở California và của Cộng hòa Czech. Phóng viên tờ The New York Times có mặt tại hiện trường đã xem xét rất kỹ nguồn gốc sản xuất đạn. Sau khi Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) xác nhận là đạn dược của Mỹ, phóng viên đã cho đăng ngay một bài báo nói lên nỗi e sợ của mình: “Súng đạn Mỹ đang giết lính Mỹ”.


Sự kiện nói trên không phải mới xảy ra lần đầu. Tháng 7-2008, quân Taliban tấn công một tiền đồn của Mỹ ở làng Wanat, giết chết 9 lính Mỹ và làm bị thương 27 người khác. Cuộc điều tra của quân đội Mỹ sau đó cho thấy có một cảnh sát địa phương đã làm nội gián cho Taliban. Khám đồn của viên cảnh sát này, Mỹ tìm thấy một hầm bí mật giấu hơn 70 khẩu súng của Mỹ cung cấp cho quân đội Afghanistan.


Nhưng cái cách mà Lầu Năm Góc giải thích những sự kiện như trên mới làm các nhà lập pháp Mỹ thật sự “choáng”. Họ nói không biết Taliban làm cách nào có được vũ khí của Mỹ. Có thể do trộm cướp hoặc lấy từ xác lính Afghanistan. Mà cũng có thể do đồng minh của Mỹ bán lại. DynCorp, một nhà thầu quân sự tư nhân làm việc cho Mỹ, cho biết đã nhiều lần báo cáo nhân viên tổng nha cảnh sát quốc gia Afghanistan bán vũ khí (của Mỹ cấp) cho các lực lượng chống Mỹ.


Chuyện mất vũ khí chỉ là một phần của một câu chuyện lớn hơn. Đó là nỗi đau của những người đóng thuế Mỹ khi biết rằng cuộc chiến hao tiền tốn của của chính phủ Mỹ chống Al-Qaeda (và Taliban) ở Afghanistan và Pakistan đã bị sự bất tài, tệ tham nhũng của đối tác Afghanistan phá hoại nghiêm trọng.


Sau sự kiện 11-9-2001, Mỹ đã đổ vào Afghanistan 33 tỉ USD để nuôi dưỡng chính phủ ông Hamid Karzai. Nhưng nạn tham nhũng đã gặm nhấm không ít số tiền khổng lồ đó. Arnold Fields, cựu trung tướng thủy quân lục chiến Mỹ vừa được Lầu Năm Góc bổ nhiệm làm tổng thanh tra đặc biệt việc tái thiết Afghanistan, chua chát nhận xét trên tờ Washington Post: “Đi tới đâu tôi cũng chỉ thấy toàn tham nhũng”.

Một số quan chức Afghanistan lương ngày không quá 20 USD nhưng sống như đế vương trong các biệt thự sang trọng. Cảnh sát trưởng Kabul chẳng hạn, xây hẳn một tòa lâu đài theo kiến trúc cổ Hy Lạp để cho mướn  với giá 11.000 USD/tháng.


Quá nhiều lỗ hổng


Giữa tháng 2 năm nay, báo chí Mỹ rộ lên chuyện GAO phát hiện 87.000 súng hạng nhẹ, tức khoảng 1/3 của 242.000 súng các loại – trong đó có hàng chục ngàn khẩu AK-47 – mà  Mỹ cấp cho quân đội Afghanistan từ năm 2004 đến 2008 nằm ngoài danh sách kiểm kê của Lầu Năm Góc.

Được biết, rất nhiều vũ khí này nằm trong các kho quân cụ Afghanistan, nơi đầy ắp những câu chuyện lính đào ngũ (mang theo súng), trộm cắp và hệ thống an ninh hết sức lỏng lẻo (cửa kho bằng tre chỉ khóa một ổ khóa).


Kể cả những thứ nhạy cảm như ống nhòm nhìn xuyên màn đêm mà nhờ đó lính Mỹ thường đánh thắng phiến quân Taliban ở Afghanistan cũng không được quản lý chặt chẽ. Những nghiệp vụ kế toán cơ bản như ghi chép số sê-ri vũ khí cũng thường bị bỏ qua. Báo cáo của GAO cho rằng tình trạng này tạo ra “nguy cơ bị trộm cắp hay mất mát là rất lớn”.


Khi báo cáo của GAO được trình bày trước Hạ viện Mỹ, nhiều nghị sĩ yêu cầu Lầu Năm Góc giải thích rõ ràng vì họ lo lắng lính Mỹ có thể bị các nhóm phiến quân giết bằng chính vũ khí mà người dân Mỹ bỏ tiền ra mua.

Nghị sĩ John F. Tierney của Đảng Dân chủ cầm quyền bức xúc: “Đó là nguy cơ mà chúng ta phải đối mặt nếu chúng ta  cứ để hàng chục ngàn vũ khí cung cấp cho chính quyền Kabul nằm ngoài sổ sách và trôi nổi khắp Afghanistan”.


Phía Lầu Năm Góc, tháng 10 năm ngoái, đã đổ lỗi cho trung tâm chỉ huy quân sự Mỹ ở Afghanistan không tuân thủ các quy tắc kiểm tra, kiểm soát vũ khí nhập vào Afghanistan. Họ cũng chỉ trích các tư lệnh liên quân do Mỹ cầm đầu có trách nhiệm huấn luyện cảnh sát và quân đội Afghanistan không thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cấp trên.


 Một lý do khác nữa, theo Lầu Năm Góc, là thiếu nhân sự có nghề. Cụ thể, bộ phận giám sát chương trình giải ngân 1,7 tỉ USD mua vũ khí nước ngoài cho Afghanistan năm 2007 chỉ có 9 người thiếu kinh nghiệm mà nhóm trưởng là một thiếu tá bộ binh. Trong khi đó, với một chương trình tương tự nhưng số tiền giải ngân ít hơn 60% ở Ả Rập Saudi, có đến 77 người do một trung tướng chỉ huy.


Một lỗ hổng khác cũng lớn không kém là lực lượng an ninh Afghanistan quá kém cỏi. Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ từng đến Afghanistan hai lần (tháng 10-2007 và tháng 4-2008) cho biết người đứng đầu hậu cần quân đội Afghanistan thậm chí không biết đã nhận được vũ khí gì, đến lúc nào và của ai gửi.

Theo VĂN ANH (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm