Obama sẽ nêu biển Đông bên lề APEC

Indonesia có thể sẽ kiện Trung Quốc ra tòa hình sự quốc tế nếu Trung Quốc không giải quyết yêu sách chủ quyền ở biển Đông của Trung Quốc bằng con đường đối thoại trong tương lai gần.

Reuters đưa tin ngày 11-11, ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng An ninh Indonesia, đã thông báo với báo chí như trên.

Trong yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” bao chiếm gần trọn biển Đông của Trung Quốc có quần đảo Natuna của Indonesia.

Bộ trưởng Luhut Panjaitan khẳng định yêu sách của Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn quyền lực được áp đặt trong vấn đề này. Chúng tôi muốn tìm kiếm giải pháp hòa bình bằng thúc đẩy đối thoại. Đường chín đoạn là vấn đề không chỉ chúng tôi phản đối mà tác động trực tiếp đến lợi ích của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines”.

Trong khi đó, liên quan đến chuyến công du đến Philippines hôm 10-11 của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị để chuẩn bị cho Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin ông Vương Nghị đã đổ lỗi cho Philippines.


An ninh được củng cố chuẩn bị cho hội nghị APEC. Ảnh: AP

Phát biểu với báo chí tại Manila, ông nói Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực là làm gia tăng căng thẳng, cản trở phát triển quan hệ Trung Quốc - Philippines.

Ông cho rằng Philippines phải là bên cải thiện quan hệ và nhấn mạnh: “Người nào gây ra vấn đề thì người đó giải quyết”.

Về chủ đề biển Đông, ngày 10-11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner thông báo chủ đề này sẽ được bàn đến bên lề hội nghị nếu chương trình nghị sự chính thức của hội nghị APEC không nêu ra.

Hôm trước đó, Philippines và Trung Quốc thông báo hai nước nhất trí không bàn đến vấn đề tranh chấp biển Đông trong hội nghị APEC.

Tại Philippines, báo Inquirer đưa tin ngày 11-11, Đại sứ Mỹ Philip Goldberg cho biết Tổng thống Obama và Tổng thống Aquino sẽ thảo luận về chủ đề tranh chấp biển Đông và Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines bên lề hội nghị APEC.

Ông ghi nhận: “Tôi cho rằng họ sẽ làm điều đó. Khi hai tổng thống gặp nhau, đó là các chủ đề có lợi ích chung”.

Ông giải thích: “Chúng tôi cũng đang trông chờ phán quyết rất quan trọng của Tòa án tối cao Philippines về Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng. Đó là một hiệp định tốt đẹp và chúng tôi nóng lòng thực hiện”.

Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng đã được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ Philip Goldberg ký kết hồi tháng 4-2014 nhưng một số nghị sĩ Philippines đã kiện với lý do hiệp định này vi hiến.

Hôm 10-11, Thượng viện Philippines đã công bố nghị quyết nêu quan điểm Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Mỹ là hiệp định nên có giá trị mà không cần Thượng viện thông qua.

Theo hiệp định, Mỹ sẽ có quyền tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines rộng rãi hơn, kể cả xây dựng kho trang thiết bị quốc phòng.

Báo Inquirer nhận định Mỹ trông chờ bởi hiệp định này sẽ hỗ trợ cho chiến lược tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ trong khi Philippines sẽ củng cố an ninh trước mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn thông báo tại hội nghị APEC sắp tới, Trung Quốc sẽ công bố kết luận nghiên cứu ban đầu về dự án thành lập khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là dự án cạnh tranh với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đề xướng. Theo lộ trình, vào năm tới Trung Quốc hoàn tất nghiên cứu chiến lược và đưa ra các đề nghị đầu tư cho các nước tại hội nghị APEC 2016.

__________________________________

Lý do chính Tổng thống Obama đến Philippines là vì các nhà lãnh đạo và Hội nghị thượng đỉnh APEC nhưng trong thời gian đó, tổng thống Obama cũng sẽ gặp Tổng thống Aquino và tham dự nhiều sự kiện đánh dấu tăng cường quan hệ song phương.

Đại sứ Mỹ tại Philippines PHILIP GOLDBERG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm