Ông Kim Jong-un: Triều Tiên, Trung Quốc như người một nhà

Lãnh đạo Triều Tiên Kim jong-un ngày 20-6 nói với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong buổi họp trước khi ông trở về Triều Tiên rằng hai quốc gia Triều Tiên và TQ hỗ trợ nhau giống các thành viên trong gia đình.

“Chuyến thăm TQ lần này là một cơ hội để củng cố tình bạn giữa tôi và Chủ tịch Tập cũng như thúc đẩy tình hữu nghị giữa Triều Tiên và TQ” - Tân Hoa xã trích phát biểu của ông Kim.

Bên trái là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) cùng phu nhân Ri Sol-ju. Bên phải là Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tại cuộc họp ngày 20-6. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Chuyến thăm TQ của ông Kim Jong-un diễn ra một tuần sau khi ông có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào ngày 12-6. Tại sự kiện này, Bình Nhưỡng đã cam kết sẽ nỗ lực vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đây là lần thứ ba ông Kim thăm TQ trong vòng ba tháng, là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng và Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ nồng ấm và dẫu rằng TQ không tham gia cuộc thượng đỉnh Trump-Kim nhưng vẫn có ảnh hưởng nhất định.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời ông Tập Cận Bình cho hay quan hệ giữa TQ và Triều Tiên đã bước sang giai đoạn phát triển mới. Ông Kim cũng đáp lại ông sẵn sàng thúc đẩy hợp tác song phương.

Trong chuyến thăm mới nhất này, tháp tùng ông Kim là quan chức kinh tế hàng đầu Triều Tiên, Thủ tướng Pak Pong-ju (79 tuổi). Ông Kim và ông Pak đã tới thăm Học viện Khoa học Nông nghiệp TQ và một số địa điểm khác, dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với TQ.

Theo các báo cáo của truyền thông TQ, ông Tập đã nói với ông Kim rằng Bắc Kinh đã nỗ lực phát triển kinh tế Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Thủ tướng Triều Tiên Pak Pong-ju. Ảnh: AP

Theo KCNA, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Pak Pong-ju tới TQ. Cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Nga Wi Sung-rak cho rằng sự hiện diện của ông Pak cho thấy mối quan tâm chính của Triều Tiên hiện tại là vấn đề phát triển kinh tế.

Trong khi đó, ông Go Myong-hyn, một nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu chính sách Asan tại Seoul, nhận xét lãnh đạo Triều Tiên đã ý thức được việc ông cần thúc đẩy dỡ bỏ lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế trước khi có thể thu hút đầu tư nước ngoài.

Năm 2003, trong những năm đầu làm thủ tướng, ông Pak đã đưa ra những quan điểm phát triển kinh tế kéo theo nhiều ý kiến trái chiều vì có phần đi ngược lại chủ trương, chính sách của Triều Tiên thời bấy giờ. Ông Pak đã rời khỏi ghế thủ tướng vào năm 2007 nhưng trở lại vị trí này vào năm 2013 sau khi cố lãnh đạo Kim Jong-il qua đời và ông Kim Jong-un lên nắm quyền điều hành đất nước. Đây được cho là bằng chứng cho thấy ông Kim Jong-un định hướng mục tiêu phát triển kinh tế từ nhiều năm trước.

Ngoài ra, ba quan chức tháp tùng ông Kim tới bàn đàm phán ở Singapore tuần rồi gồm “trùm tình báo” Triều Tiên Kim Yong-chol, Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong cũng xuất hiện tại cuộc họp với ông Tập vào ngày 19-6.

Ông Kim (trái) và ông Tập đi dạo ở bờ biển Đại Liên khi ông Kim thăm TQ lần hai, ngày 8-5. Ảnh: YONHAP

Chuyên gia Cha Du-hyeogn từ Viện nghiên cứu chính sách Asan cho rằng sự hiện diện của các quan chức trên cho thấy Triều Tiên dường như muốn đồng nhất chiến lược với TQ trước khi bước vào các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa.

“Mỹ sẽ không vui khi thấy các quan chức này của Triều Tiên sang thăm TQ trước khi họ dàn xếp vòng đàm phán tiếp theo” - ông Cha nêu ý kiến, thêm rằng rõ ràng ông Kim đang cải thiện chiến thuật cho các cuộc đối thoại sắp tới với Mỹ.

Ông Cha kết luận: “Có vẻ như quá trình phi hạt nhân hóa sẽ mất rất nhiều thời gian”.

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần 3 trong hôm nay
Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần 3 trong hôm nay
(PLO)-Mục đích cuộc gặp sẽ là báo cáo cho ông Tập về kết quả hội nghị thượng đỉnh của ông Kim Jong-un với Tổng thống Trump tại Singapore hôm 12-6, đồng thời bàn bạc chiến lược đàm phán trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm