Ông Trump ‘đấu’ Trung Quốc

Kênh truyền hình Mỹ CNBC nhận định quan hệ Mỹ-Trung có thể dẫn đến bước ngoặt tệ hơn sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump “công khai phản kích Trung Quốc hai lần trong 72 tiếng”.

Hôm 2-12, ông Trump đã trả lời điện thoại của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Sau đó, ông viết trên Twitter: “Hôm nay tổng thống Đài Loan gọi cho tôi chúc mừng tôi đắc cử tổng thống. Cảm ơn!”.

Báo chí Trung Quốc lập tức rộ lên chỉ trích. Ông Trump tiếp tục viết trên Twitter:

“Thật thú vị khi Mỹ bán hàng tỉ USD vũ khí cho Đài Loan nhưng tôi không thể nhận một cuộc gọi điện thoại chúc mừng”.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi kiến nghị ngoại giao cho chính phủ Mỹ khẳng định nguyên tắc “một Trung Quốc” là cơ sở chính trị của quan hệ song phương Trung-Mỹ.

Sự việc không dừng lại ở đó. Báo Bloomberg đưa tin đến tối 4-12 (giờ địa phương), ông Trump tiếp tục viết trên Twitter ông không cần Trung Quốc căn dặn ông phải nói chuyện hay không nói chuyện với ai.

Báo Trung Quốc ngày 10-11 đăng bài ca ngợi ông Trump với tựa đề “Người ngoài cuộc phản công”. Ảnh: AP

Ông đặt vấn đề: “Trung Quốc có hỏi chúng ta chuyện họ phá giá đồng tiền (làm các doanh nghiệp chúng ta khó cạnh tranh hơn), đánh thuế nặng hàng hóa của chúng ta nhập khẩu vào nước họ (trong khi Mỹ không đánh thuế hàng hóa của họ) hay xây tổ hợp quân sự rộng lớn giữa biển Đông hay không? Tôi không tin!”.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich cũng đã phụ họa phát biểu trên kênh truyền hình Fox News rằng Bắc Kinh không thể quy định tổng thống Mỹ cần phải nói chuyện với ai.

Báo The Guardian (Anh) ngày 5-12 cho biết chuyên gia Stephen Yates, người được cho là đã giúp nối cuộc điện đàm giữa ông Trump với bà Thái Anh Văn, đã viết trên trang web của Fox News rằng cuộc điện đàm này không phải ngẫu nhiên mà đã được tính toán.

Tuy nhiên, bà Kellyanne Conway (cố vấn của ông Trump) và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence đã cố trấn an dư luận.

Ông Mike Pence phát biểu trên kênh truyền hình ABC: “Đây chỉ là trả lời một cuộc gọi do lịch sự, cuộc gọi chúc mừng của nhà lãnh đạo Đài Loan được bầu cử dân chủ”.

Còn bà Kellyanne Conway giải thích trên Fox News: “Đó chỉ là một cuộc gọi… Khi ông ấy nhậm chức với tư cách tổng tư lệnh, ông ấy sẽ trình bày rõ ràng dự định của ông ấy. Mọi người đừng nên suy diễn quá đáng”.

Dù vậy, bà nhấn mạnh mọi ứng viên cho vị trí ngoại trưởng Mỹ đều phải hiểu rằng trách nhiệm đầu tiên là tán thành và thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Về phía Trung Quốc, Thời Báo Hoàn Cầu ngày 5-12 đã giục Trung Quốc phải đưa ông Trump vào cuộc đối thoại xây dựng và phải trừng phạt Đài Loan như một tín hiệu gửi đến ông Trump. Thậm chí báo này còn đề nghị tăng cường triển khai quân sự đối với Đài Loan.

GS Trầm Đinh Lập ở ĐH Phúc Đán (Thượng Hải) hăm dọa: “Nếu ông ấy (Trump) tiếp tục gọi Đài Loan là quốc gia, chúng ta phải cắt đứt quan hệ với ông ấy”.

Học giả Thi Ân Hoằng ở ĐH Nhân dân (Bắc Kinh) đánh giá: “Còn quá sớm để đưa ra dự báo chắc chắn nhưng tôi có thể nghĩ rằng mây bão đã hội tụ ở chân trời”.

Hôm 4-12, ông Trump đã viết trên Twitter nhắn nhủ các doanh nghiệp Mỹ đang có ý định chuyển ra nước ngoài làm ăn: “Tôi xin các ông, các ông đã được cảnh báo trước khi phạm sai lầm đắt giá! Chúng ta vẫn có thể kinh doanh ở Mỹ”. Ông hăm dọa: “Một doanh nghiệp rời bỏ đất nước đi nước khác, sa thải lao động, xây nhà máy mới hay đặt cơ sở ở nước khác và nghĩ rằng sau đó có thể bán hàng cho Mỹ mà không bị trừng phạt thì quả là sai lầm”.

______________________________

Nếu Đài Loan nghĩ rằng đã được Mỹ ủng hộ hơn, Đài Loan có thể thực hiện các biện pháp khiêu khích Trung Quốc và điều này có thể dẫn đến khủng hoảng. Nếu Trung Quốc cũng nghĩ rằng cuộc điện đàm là dấu hiệu Mỹ ủng hộ Đài Loan, Mỹ và Trung Quốc có thể va chạm nhau về ngoại giao.

Chuyên gia ASHLEYTOWNSHEND ở ĐH Sydney (Úc)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm