Ông Trump không nhượng bộ, ông Putin vẫn thắng

Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa diễn ra ở Helsinki (Phần Lan) hôm 16-7. Câu hỏi được quan tâm hàng đầu là thượng đỉnh này sẽ tác động thế nào đến quan hệ Mỹ-Nga vốn đã ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.

Khó bình thường hóa quan hệ

Trước thượng đỉnh, chuyên gia quan hệ Mỹ-Nga, Giáo sư nghiên cứu an ninh quốc gia Nikolas Kirrill Gvosdev tại ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định chuyện “bình thường hóa quan hệ không thể xảy ra dưới thời ông Trump và ông Putin, may mắn thì chỉ có thể xảy ra sau khi hai lãnh đạo này ra đi”. Và sau khi thượng đỉnh diễn ra, GS Gvosdev nói ông chẳng thấy có tín hiệu gì để ông thay đổi suy nghĩ này cả.

Theo ông Gvosdev, chính lùm xùm cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ đã ngăn chặn tất cả tiến trình có ý nghĩa với quan hệ hai nước có thể xảy ra. Nói cách khác, không chỉ hai ông Trump, Putin mà toàn bộ khả năng cải thiện quan hệ song phương đều bị mắc kẹt trong vụ này. Có thể thấy rõ điều này qua việc phần lớn thời lượng các câu hỏi của các nhà báo tại cuộc họp báo chung sau thượng đỉnh xoay quanh vấn đề này và hai ông Trump, Putin đã phải liên tục bác bỏ. Việc hai bên nói sẽ tăng cường đối thoại về các vấn đề chiến lược mà hai nước cùng đối mặt không giúp giới quan sát yên tâm về khả năng quan hệ Mỹ-Nga sẽ được cải thiện.

Trong cuộc họp báo chung, ông Trump không chỉ trích Nga về cáo buộc can thiệp bầu cử và cả vụ sáp nhập Crimea, về cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Charles Schumer… đều thất vọng về sự thể hiện của ông Trump trong thượng đỉnh với ông Putin. Điều khiến họ bất mãn nhất là ông Trump nhẹ tay với ông Putin chuyện can thiệp bầu cử, thậm chí khi ông Putin thừa nhận có ý muốn ông Trump chiến thắng trước bà Hillary Clinton.

Với ông McCain, đây là “một trong những sự trình diễn đáng hổ thẹn nhất của một tổng thống Mỹ trong lịch sử”. Trong khi đó, ông Ryan nhắc nhở ông Trump “phải nhớ Nga không phải là đồng minh chúng ta”. Theo nhà tư vấn chính trị Mỹ Douglas E. Schoen, chuyện một tổng thống đương nhiệm công khai nói mình tin tưởng một lãnh đạo nước ngoài hơn đội ngũ tình báo của mình là điều quá sốc, đặc biệt khi đó lại là lãnh đạo của Nga - nước đối thủ của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) cầm quả bóng World Cup 2018 được Tổng thống Nga Vladimir Putin tặng trong cuộc họp báo chung ngày 16-7 tại Helsinki (Phần Lan). Ảnh: AFP

Ông Trump không nhượng bộ

Theo GS Gvosdev, cần đánh giá khách quan về nghi vấn ông Trump nhượng bộ ông Putin. Ông cho rằng nếu bỏ chuyện cáo buộc can thiệp bầu cử sang một bên, ông Trump không có nhượng bộ gì với ông Putin. Theo nhiều nhà quan sát, lý do ông Putin mở lời mời ông Trump tới thượng đỉnh là vì muốn ông Trump dỡ bỏ bớt trừng phạt vốn đang gây khó khăn cho kinh tế Nga. Tại thượng đỉnh vừa rồi không nghe ông Trump nói gì chuyện dỡ bỏ trừng phạt cho Nga.

Tại thượng đỉnh ông Trump cũng không thay đổi quan điểm Crimea là một phần của Ukraine, vẫn không công nhận Crimea thuộc Nga, không đồng ý ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine hay giảm huấn luyện với quân đội Ukraine. Ông Trump vẫn kiên quyết củng cố sức mạnh NATO, giữ chủ trương tăng hiện diện ở Ba Lan và các nước vùng Baltic đối phó Nga. Tại cuộc họp báo, ông Trump nói rõ ông hy vọng các nhà sản xuất năng lượng Mỹ tăng cạnh tranh với Nga ở thị trường châu Âu.

Ông Putin vẫn có “chiến thắng”

Tuy nhiên, ông Trump không nhượng bộ không có nghĩa ông Putin đã không được gì từ thượng đỉnh này, khi theo nhà quan sát chính trị Fyodor Lukyanov (Nga), ưu tiên số một của ông Putin là thiết lập giao tiếp với ông Trump. Vì theo quan điểm của Nga, việc hai cường quốc hạt nhân thế giới không nói chuyện với nhau là bất thường. Và ông Putin đã đạt được điều này với việc thượng đỉnh diễn ra.

Theo GS Gvosdev, ông Trump tới đây chắc chắn sẽ đối mặt với chỉ trích lớn trong nước, đặc biệt chuyện không chính thức lên án ông Putin can thiệp bầu cử. Tuy nhiên, GS Gvosdev cho rằng chuyện tái lập và duy trì đối thoại Mỹ-Nga để bảo vệ sự ổn định chiến lược quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều.

Câu hỏi là liệu thượng đỉnh ở Helsinki có đủ sức kéo quan chức các cấp hai bên ngồi lại đối thoại với nhau không. Theo nhận định của ông Gvosdev sẽ là không, đồng nghĩa quan hệ Mỹ-Nga sẽ vẫn đóng băng ít nhất trong thời gian ông Trump và ông Putin còn tại nhiệm.

Về phía Nga, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin cẩn trọng rằng Nga cần “duy trì cảnh giác” sau khi thượng đỉnh diễn ra. Chi tiết này cho thấy phía Nga vẫn không ảo tưởng rằng thượng đỉnh này sẽ mang đến thay đổi gì đó về chính sách của Mỹ với Nga.

Trung Quốc sát sao thượng đỉnh Mỹ-Nga

Theo Giám đốc dự báo toàn cầu John Ferguson tại công ty phân tích tình báo kinh tế EIU (Anh), “thượng đỉnh Mỹ-Nga là cơ hội chiến lược quan trọng để Trung Quốc (TQ) có được bài học giá trị áp dụng cho quan hệ của mình với ông Trump”.

Theo ông Kent Kedl, đối tác cấp cao tại công ty tư vấn kiểm soát rủi ro (Anh), thượng đỉnh Mỹ-Nga không ảnh hưởng nhiều đến cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ khi ông Trump không cố lập liên minh chống lại TQ. Nhà phân tích Kerry Brown tại Viện các vấn đề quốc tế Chatham House (Anh) nhận định TQ xem Nga là một phương tiện làm xao lãng sự tập trung của phương Tây để mình rộng đường tiến tới mục đích riêng của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm