Pháp chú ý đến biển Đông

Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 27-9 đã đăng bài viết với đầu đề “Pháp tiết lộ chiến lược phòng thủ ở biển Đông và xa hơn”. Tác giả bài viết là TS Nguyễn Quốc Thanh ở Viện nghiên cứu châu Á thuộc ĐH Aix-Marseille (Pháp).

Bài viết dự báo khi có thời cơ chắc chắn, Trung Quốc sẽ chiếm lấy các khu vực mà nước này tuyên bố là lãnh thổ bất chấp các nước thành viên ASEAN phản đối.

Trong bối cảnh này, các nước Đông Nam Á phải tìm một đồng minh trung lập nhưng đủ mạnh để có tiếng nói trên trường quốc tế, một chọn lựa khác giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bài viết khẳng định Pháp có thể đảm nhiệm vai trò này. Chiến lược quốc phòng của Pháp cũng hướng đến bảo đảm hòa bình và an ninh châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6, chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian là bộ trưởng Quốc phòng châu Âu duy nhất trình bày. Ông đã kêu gọi EU tuần tra chung trên biển Đông.

Tàu sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp. Ảnh: AFP

Nguyên nhân Pháp quan tâm đến châu Á-Thái Bình Dương bao gồm:

• Pháp không hề xa lạ với các nước châu Á- Thái Bình Dương vì có công dân ở hải ngoại. Trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương năm 2014, Pháp khẳng định có trách nhiệm bảo vệ công dân Pháp ở châu Á-Thái Bình Dương (120.000 người tính đến năm 2012, tăng gần 220% trong 20 năm).

• Pháp đã phát triển quan hệ chiến lược với hầu hết các nước châu Á và liên kết với khu vực này bằng nhiều cam kết an ninh và chính trị. Trình độ quân sự của Pháp được các nước Đông Nam Á đánh giá cao.

Pháp chiếm 40% số hợp đồng đóng tàu ngầm và 20% số dự án liên quan đến hải quân của Đông Nam Á.

Các công ty vũ khí của Pháp như DCNS, DCI và Thalès đều có hoạt động kinh doanh tại châu Á. Công ty Pháp đã cung cấp tàu ngầm cho Malaysia, 12 tàu ngầm tấn công cho Úc và 36 máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ.

• Hải quân Pháp đã quen với công tác triển khai đến khu vực này. Đến nay đã có ba tàu của Pháp từng được triển khai đến biển Đông. Pháp có một tàu khu trục giám sát và một tàu tuần tra liên tục hoạt động ở vùng lãnh thổ New Caledonia thuộc Pháp trên Thái Bình Dương.

Từ các yếu tố trên có thể thấy với vai trò là cường quốc trung lập, Pháp có thể tháo gỡ xung đột khu vực, thậm chí ngay cả khi Trung Quốc khó chịu khi có sự can thiệp từ bên ngoài.

Tuy nhiên, như Tổng thống Francois Hollande đã nói, Pháp sẽ không hành động một mình mà sẽ cần sự tán thành của châu Âu. Nhưng tình hình hiện tại không được tốt.

Tại hội nghị cấp cao Bratislava, ông Hollande đã kêu gọi thành lập một lực lượng phối hợp chung châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc phòng châu Âu bị sự kiện Anh rời EU ảnh hưởng nên công tác tái xây dựng quốc phòng phải cần thời gian.

Pháp cùng với Đức muốn đưa châu Âu trở lại đúng hướng và đã đưa ra thời gian sáu tháng để khởi động một chương trình mới, trong đó có đề cập đến tái xây dựng lực lượng châu Âu và lộ trình cho quốc phòng châu Âu trong những năm sắp tới.

Chương trình quân sự Pháp giai đoạn 2014-2019 dự kiến chi 162,4 tỉ euro (181 tỉ USD) cho quốc phòng, trong đó một phần đáng kể sẽ dùng để tăng sức mạnh hải quân. Ngoài ra, đạo luật về chương trình quân sự 2014 nêu rõ từ năm 2024-2025, hải quân Pháp sẽ tăng tốc phát triển để đóng góp cho hòa bình và an ninh toàn cầu, đặc biệt chú ý đến an ninh ở Ấn Độ Dương cũng như kiểm soát rủi ro ở Nam Á. Sức mạnh răn đe của Pháp gồm sáu tàu ngầm động cơ hạt nhân, bốn tàu ngầm tên lửa đạn đạo được trang bị tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.

______________________________

Châu Âu không thể dùng chủ nghĩa khủng bố, nước Nga hiếu chiến và vấn đề khủng hoảng di cư làm cái cớ để quên đi các nghĩa vụ quốc tế của mình.

TS MICHAEL JOHN WILLIAMS ở ĐH New York

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm