Phát hiện 47 chiếc răng 80.000 năm tại Trung Quốc

Theo CNN, 47 chiếc răng đã được tìm thấy trong một hang động ở huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc và là bằng chứng quan trọng nhất chứng minh rằng con người hiện đại lần đầu tiên di cư từ châu Phi sang châu Á cách đây từ 80.000 đến 120.000 năm, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Michael Petraglia, một nhà khảo cổ đến từ ĐH Oxford (Anh), nói với tạp chí Nature: "Đó là một trong những phát hiện quan trọng nhất về châu Á trong thập niên qua".
Các lý thuyết được chấp nhận rộng rãi từ trước đến nay về việc di cư của con người hiện đại là lý thuyết "Out of Africa" (Ra khỏi châu Phi). Theo lý thuyết này, con người hiện đại có nguồn gốc từ châu Phi và tiến hành di cư sang các khu vực khác trên thế giới cách đây 50.000 đến 70.000 năm.

Những chiếc răng trên đã gây thách thức đối với lý thuyết hiện có, nó đặt ra câu hỏi cả về thời gian diễn ra các cuộc di dân đầu tiên từ châu Phi và liệu có một nhóm người hiện đại khác đã tiến hóa riêng biệt ở châu Á hay không.

Phát hiện 47 chiếc răng 80.000 năm tại Trung Quốc ảnh 1
47 chiếc răng cổ vừa được tìm thấy ở huyện Đạo thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). ảnh: CNN

Phát hiện trên gây "đau đầu" đối với giới khoa học
"Hóa thạch tiết lộ rằng 80.000 năm trước đây, những người hiện đại lần đầu tiên xuất hiện ở đâu đó tại miền Nam Trung Quốc" - Liu Wu, một nhà nghiên cứu đến từ Học viện Vertebrate Paleontology và cổ nhân loại học (IVPP) của Trung Quốc nói.
"Chúng tôi tin rằng miền Nam Trung Quốc có thể là một khu vực trung tâm cho quá trình tiến hóa hiện đại" - ông nói thêm
Ông Liu nói với CNN rằng mặc dù nghiên cứu vẫn chưa xác định người dân huyện Đạo có nguồn gốc từ đâu - và liệu họ có nguồn gốc từ châu Phi hay Trung Quốc nhưng ông tin rằng họ đã tiến hóa từ những người cổ đại địa phương.
Maria Martinon-Torres, một nhà nghiên cứu tại ĐH London và là một trong những người đồng dẫn cuộc nghiên cứu, cho biết những phát hiện mới này đang mở ra một loạt các câu hỏi cần được trả lời.
"Điều này có nghĩa là sao? Nguồn gốc của những người Trung Quốc tại khu vực phát hiện?" - bà hỏi. 
Maria Martinon-Torres nói rằng: "Bây giờ một số người thực sự phải xem xét lại lý thuyết trước đây. Có lẽ không chỉ có một số nhóm di cư từ châu Phi, mà có thể có một số nhóm di cư từ khu vực ngoài châu Phi".
"Và chúng ta cũng phải hiểu những gì đã xảy ra ở châu Á. Các quần thể, liệu họ thực sự cũng tiến triển song song bên ngoài châu Phi?" - bà nói thêm.
Nghiên cứu này cũng làm dấy lên câu hỏi về cách thức và lý do tại sao con người hiện đại lại di cư đến châu Á sớm hơn châu Âu, nơi con người hiện đại được tìm thấy đã định cư cách đây 45.000 năm.
Ông Liu cho biết nhóm nghiên cứu có kế hoạch trích xuất DNA từ các mẫu răng để làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc của người dân ở huyện Đạo.
Những chiếc răng trên đã quá cũ đến nỗi chúng không thể được kiểm tra bằng phương pháp carbon, do đó các nhà khoa học phải dùng phương pháp khác để đoán tuổi của chúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm