Phát hiện mới về hệ Mặt trời gây sửng sốt

Phát hiện được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature khiến giới khoa học hoàn toàn sửng sốt bởi họ vẫn cho rằng khí oxy đã kết hợp với các chất khác khi các hành tinh được hình thành. 

Không chỉ thế, phát hiện này còn có thể đồng nghĩa với kết luận rằng những hiểu biết lâu nay của con người về quá trình hình thành hệ Mặt trời là sai.
Các nhà khoa học đã dùng thiết bị Rosina trên tàu Rosetta để “ngửi” bầu không khí bao quanh sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko và tìm ra khí oxy tự do là loại khí phổ biến thứ tư bao quanh sao Chổi này, sau hơi nước, khí CO và khí CO2.

GS Kathrin Altwegg thuộc ĐH Bern - một thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết: “Khi lần đầu nhìn thấy dữ liệu này, cả nhóm nghiên cứu đã nghĩ đây là một kết quả nhầm lẫn bởi đây không phải là thứ mà bạn nghĩ sẽ tìm thấy trên sao Chổi”.

 Không khí quanh sao Chổi 67P có thể giải thích lại sự hình thành hệ Mặt trời.

Theo BBC, do khí oxy rất dễ phản ứng với các chất khác để tạo thành hợp chất chứ không ở dạng đơn phân tử ban đầu nên các nhà khoa học cho rằng khí oxy đã bị đóng băng rất nhanh và bị “khóa” trong các khối vật chất vào đầu quá trình hình thành hệ Mặt trời.
GS Altwegg phát biểu: “Đây là phát hiện đáng kinh ngạc nhất từ trước đến nay của chúng tôi về sao Chổi 67P. Câu hỏi được đặt ra là nguyên nhân nào đã dẫn đến phát hiện này”.
Theo nhiều giả thuyết hiện tại về sự hình thành các hành tinh và sao Chổi quanh Mặt trời, sự hình thành này đã đốt nóng khí oxy đóng băng, dẫn đến sự kết hợp của khí oxy với các chất khác. Tuy nhiên, phát hiện mới có thể dẫn đến kết luận hệ Mặt trời được hình thành “nhẹ nhàng hơn”.
Tác giả cuộc nghiên cứu - GS Andre Bieler thuộc ĐH Michigan nói: “Nếu khí oxy xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của quá trình hình thành sao Chổi 67P, làm thế nào sao Chổi 67P có thể tồn tại lâu đến vậy? 
Tất cả mẫu thử đều cho thấy 67P không thể tồn tại lâu như thế, qua đó cho chúng ta biết đôi điều về quá trình hình thành hệ Mặt trời.
Đó là những hạt băng này được tạo thành “rất nhẹ nhàng” và là vật chất tĩnh mới nguyên. Giờ đây chúng tôi đã có bằng chứng cho thấy phần lớn sao Chổi 67P đã tồn tại qua quá trình hình thành hệ Mặt trời”.
Năm 2014, các nhà khoa học tìm thấy nước trên sao Chổi 67P. Loại nước này khác với nước trên Trái đất, làm dấy lên giả thuyết nước trên hành tinh chúng ta đến từ sao Chổi. Sau đó, nhiều phân tử hữu cơ được phát hiện trên 67P giúp củng cố giả thuyết sự sống trên Trái đất được hình thành nhờ sao Chổi.
Vào tháng 11 năm ngoái, tàu không gian Rosetta đã làm nên lịch sử khi bay quanh quỹ đạo và đưa được một tàu thăm dò lên bề mặt sao Chổi. Sau vài ngày hạ cánh bằng một cú rơi, tàu thăm dò đã bị mất liên lạc nhưng tàu Rosetta đã tiếp tục gửi về Trái đất những dữ liệu quý giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm