Phạt người tị nạn không học cách hòa nhập xã hội

Những người tị nạn nào từ chối tham gia các khóa học này sẽ bị cắt giảm lợi ích xã hội, dẫn lời Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz.
“Những người không sẵn sàng để học tiếng Đức, không muốn tham gia đóng góp cho thị trường lao động hoặc không đồng ý tham dự một khóa học hòa nhập xã hội, sẽ phải đối mặt với việc lợi ích xã hội của mình bị cắt giảm. Đây là một quyết định hoàn toàn cần thiết” - ông Kurz cho biết tại Diễn đàn kinh tế được tổ chức tại Davos.

“Các dòng di cư nên được cắt giảm bớt. Tuy nhiên, những người có quyền được tị nạn chính đáng thì nên được cho phép hòa nhập vào xã hội” - Bộ trưởng nói thêm.

 Tàu chở người tị nạn trôi dạt gần bờ biển Thái Lan ngày 14-5. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Markus Wallner, thị trưởng bang Vorarlberg miền Tây nước Áo, cũng có cùng quan điểm với ông khi phát biểu rằng: “Hành vi trốn tránh không thể được để tiếp diễn nữa. Cụ thể, nếu một người nào đó trốn tránh việc tham dự các khóa đào tạo, các lợi ích xã hội mà anh ta được hưởng phải bị giảm đi”. Lời phát biểu được trích dẫn trên đài truyền hình công cộng Áo ORF.
Các khóa học kéo dài tám tiếng xoay quanh chủ đề “giá trị và định hướng” nhằm mục đích giảng dạy luật tị nạn của Áo và các chuẩn mực xã hội là một phần của chương trình hòa nhập rộng hơn được đề ra bởi Chính phủ và thị trưởng các bang ở Áo vào hôm 20-1 vừa qua.
Các khóa học đầu tiên được sắp xếp cho 400 người tị nạn sẽ bắt đầu vào tháng 2. Dự kiến sẽ có hai khóa học tương tự được tổ chức mỗi tháng.
Các khóa học sẽ bao gồm các giá trị cơ bản thể hiện trong hiến pháp của đất nước, quyền bình đẳng và đối xử bình đẳng giữa nam và nữ cũng như các nguyên tắc dân chủ khác. Các khóa học được tổ chức bởi Quỹ Hòa nhập Áo, với tổng ngân sách lên tới 5 triệu euro (5,4 triệu USD).
Các khóa học sẽ được giảng dạy bằng tiếng Ả Rập, tiếng Farsi/Dari và tiếng Anh. Theo Wallner, số lượng các khóa học hằng tháng có thể được tăng lên trong trường hợp cần thiết. “Chúng ta sẽ quan sát hiệu quả của các khóa học trong quý đầu tiên của năm và có thể mở thêm các khóa học nếu thấy cần thiết” - ông nói.
Các biện pháp khác đề cập trong chương trình hòa nhập mới đã được phê duyệt bao gồm các lớp học tiếng Đức và tìm việc làm cho những người tị nạn. Chương trình này có thể là một thách thức đáng kể do trình độ thấp của phần lớn dân tị nạn. Chỉ có khoảng 50% những người tị nạn tại Áo có thể tìm được việc làm trong năm năm tới - Kurz nói - trích dẫn các số liệu được trình bày bởi cơ quan phụ trách thị trường lao động của nước này.
“Đừng tự lừa dối bản thân mình. Chúng ta có ở phía trước cả một quá trình hòa nhập vô cùng dài cần được thực hiện” - bộ trưởng Áo cho biết.
Đồng thời, cả Kurz và Wallner đều đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng công khai rằng Áo không có khả năng tiếp nhận thêm người tị nạn nữa. Cả hai chính trị gia cũng chủ trương kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.
Wallner cho rằng việc giới hạn việc tiếp nhận số người tị nạn là phù hợp với công ước Geneva về tị nạn và Áo có khả năng từ chối người tị nạn khi họ đến từ một đất nước thứ ba an toàn. Kurz nhấn mạnh rằng việc kiểm soát biên giới đã trở thành một “thực tế ở châu Âu”, ông nói thêm thêm rằng không chỉ có Áo mà Đức và Thụy Điển cũng nên áp dụng việc giới hạn này.
“Chúng ta phải công bố một cách rõ ràng rằng chúng ta có thể tiếp nhận được bao nhiêu người tị nạn và giới hạn của việc tiếp nhận là bao nhiêu” - ông nói thêm rằng Áo đang “ thực sự bị quá tải”.
Hôm 20-1, Thủ tướng Áo Werner Faymann công bố kế hoạch đưa ra một con số giới hạn cho số lượng người nhập cư. Theo đó, số người tị nạn mà Áo có khả năng tiếp nhận vào năm nay là 37.500 người. Trong bốn năm tiếp theo, Áo lên kế hoạch tiếp nhận sao cho số người tị nạn không vượt quá 1,5% dân số.
Áo với dân số dưới 8,5 triệu người đến nay là nước có bình quân số người tị nạn trên bình quân dân số cao thứ hai ở châu Âu, chỉ xếp sau Thụy Điển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm