Ông Duterte cảnh báo thiết quân luật toàn quốc

10 giờ đêm 23-5 (giờ địa phương), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố thiết quân luật kéo dài 60 ngày ở 27 tỉnh và 33 TP trên đảo Mindanao, miền Nam đất nước, viện dẫn lý do bạo loạn.

Có thể thiết quân luật toàn quốc

Thông báo thiết quân luật được phát ngôn viên của Tổng thống Duterte Ernesto Abella đưa ra trong một cuộc họp báo ở Moscow (Nga), nơi tổng thống Philippines đang thăm chính thức. Ông Duterte ban bố lệnh này trong bối cảnh các lực lượng quân đội chính phủ đã và đang tiến hành chiến dịch trấn áp các nhóm phiến quân Hồi giáo hoành hành nhiều năm qua tại vùng lãnh thổ phía Nam Philippines.

Cuộc đụng độ đẫm máu hôm 23-5 giữa lực lượng chính phủ và nhóm khủng bố Maute ở TP Marawi khiến ba người chết, 12 người bị thương là giọt nước tràn ly. Nhóm Maute đã tuyên thệ trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tổng thống Duterte ra thiết quân luật toàn miền Nam Philippines. Ảnh: AP

Trong phát biểu mới nhất tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino (Manila) ngày 24-5, Tổng thống Duterte cho biết lệnh thiết quân luật có thể mở rộng. Nếu xét thấy các phần tử chân rết của IS hiện diện ở đảo Luzon, ông sẽ ban bố thiết quân luật trên toàn quốc.

Theo hãng tin AFP, ông Duterte cho biết tuyên bố thiết quân luật này có thể kéo dài một năm và sẽ tương tự thời cố Tổng thống Ferdinand Marcos. “Các bạn đã sống qua thời kỳ thiết quân luật, nó sẽ không khác so với những gì Tổng thống Marcos đã làm. Tôi sẽ mạnh tay” - Tổng thống Duterte nhấn mạnh.

Người phát ngôn Abella cho biết việc áp dụng thiết quân luật nhằm “trấn áp tình trạng bạo lực vô luật pháp và lực lượng nổi dậy, cũng như vì sự an toàn của người dân”. Ngoài thiết quân luật, ông Duterte cho biết sẽ đình chỉ luật bảo thân, áp đặt lệnh giới nghiêm, thiết lập các chốt an ninh và cho phép truy bắt người không cần lệnh bắt giữ.

Điểm nóng Marawi

Kể từ tháng 8-2016, ông Duterte đã nhiều lần cảnh báo áp đặt thiết quân luật để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có nạn ma túy. Tuyên bố thiết quân luật ở đảo Mindanao được ban bố ngay cả khi ông chưa dỡ bỏ lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia từ tháng 9-2016 sau vụ đánh bom ở trung tâm TP Davao, thủ phủ Mindanao khiến 14 người thiệt mạng, theo Minda News. Nhà lãnh đạo Philippines tuyên bố nếu thiết quân luật được ban bố ở Mindanao, ông sẽ giải quyết được mọi vấn đề ở đây.

Tình hình ở miền Nam Philippines sau vụ đụng độ 23-5 theo Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana là đã được kiểm soát, song nhiều nhân chứng cho biết TP Marawi đã rơi vào tay nhóm phiến quân. Theo ghi nhận của Rappler, có khoảng 500 chiến binh nổi dậy hiện có mặt tại TP Marawi khiến nơi này có nguy cơ trở thành TP Đông Nam Á đầu tiên bị các lực lượng thân IS chiếm giữ. Nhóm này đã kiểm soát được trung tâm TP và thiết lập các chướng ngại vật ở một số khu vực dẫn vào TP.

Cờ của IS được nhìn thấy treo trên một chiếc xe cảnh sát ở TP Marawi. Ảnh: RAPPLER

Theo Rappler, tổ chức khủng bố Maute còn bắt giữ một mục sư, một giáo sư ĐH và hơn 10 tín đồ làm con tin, dọa giết nếu quân chính phủ không rút lui. Hàng ngàn người dân đã bỏ trốn. Theo ghi nhận của tờ The Philippine Star, cảnh sát quốc gia đã đặt tình trạng báo động trên toàn quốc. Tất cả chỉ huy đơn vị đều được chỉ đạo siết chặt an ninh ở những cơ sở chủ chốt và nơi công cộng. Bộ Phúc lợi xã hội cũng đặt báo động đỏ.

An ninh quốc gia rối ren đã khiến Tổng thống Duterte rút ngắn thời gian công du Nga để trở về giải quyết. Ông Duterte đã thu xếp cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin sớm hơn dự kiến. Trong cuộc gặp, ông Duterte trao đổi với nhà lãnh đạo Nga về việc Manila đang cần các loại vũ khí hiện đại để đối phó với IS và ông hy vọng Nga sẽ hỗ trợ Philippines trong vấn đề này. “Đất nước chúng tôi cần vũ khí hiện đại để chống lại khủng bố IS” - Tổng thống Duterte nhấn mạnh khi ở Moscow.

Khủng bố là vấn đề nhức nhối ở miền Nam Philippines với sự hoành hành của nhóm Maute và Abu Sayyaf chuyên khủng bố, bắt cóc, tống tiền. Hai nhóm này cam kết trung thành với IS và đã chứng tỏ là đối thủ đáng gờm của quân đội Philippines. Chính phủ của Tổng thống Duterte đã tìm cách trấn áp các nhóm cực đoan và ngăn chặn truyền bá hệ tư tưởng cực đoan Hồi giáo ở nước này. Tổng thống Duterte đã nhiều lần cảnh báo các chiến binh Hồi giáo bỏ chạy khỏi Iraq và Syria có nguy cơ tràn vào đảo Mindanao ở phía Nam Philippines vốn còn nghèo đói và bất ổn về an ninh, hãng Reuters cho biết.

Ông Duterte là tổng thống Philippines thứ ba ban bố thiết quân luật kể từ năm 1972, thời điểm nhà độc tài Ferdinand Marcos tuyên bố thiết quân luật và được xem là thời kỳ tối tăm nhất trong lịch sử Philippines. Lệnh thiết quân luật này kéo dài đến thập niên 1980.

Ngày 5-12-2009, cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đã áp đặt thiết quân luật ở Maguindanao, miền Nam đất nước sau vụ thảm sát 58 người ở thị trấn Ampatuan. Tuy nhiên, lệnh thiết quân luật kéo dài bảy ngày thì được dỡ bỏ theo yêu cầu của nội các.

Hiến pháp Philippines cho phép tổng thống chỉ được áp dụng thiết quân luật trong 60 ngày để ngăn một cuộc xâm lược hoặc nổi loạn. Quốc hội có thể hủy lệnh này trong 48 giờ trong khi Tòa án Tối cao sẽ xem xét tính hợp pháp của nó.

____________________________

5 triệu USD là số tiền mà Bộ Tư pháp Mỹ treo thưởng cho ai bắt được Isnilon Hapilon, thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf khét tiếng ở Philippines.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm